Tạp chí Nikkei Asia ngày 23-10 cho hay Trung Quốc đang bắt đầu trưng cầu dân ý về dự thảo Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân. Theo đó, bất kỳ công ty nào muốn chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng Trung Quốc ra nước ngoài đều phải chịu kiểm tra bởi các cơ quan an ninh mạng.
Đặc điểm sinh trắc học, bao gồm cả thông tin trên khuôn mặt, là dữ liệu "nhạy cảm" cần được kiểm duyệt trước khi thu thập. Ảnh: REUTERS
Cụ thể, các doanh nghiệp liên quan đến "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng", chẳng hạn như viễn thông, tài chính,..sẽ phải lưu trữ dữ liệu đó trên các máy chủ ở Trung Quốc và trải qua các khâu đánh giá rủi ro trước khi gửi ra nước ngoài.
Những đối tượng vi phạm sẽ đối mặt với các mức phạt lên đến 50 triệu nhân dân tệ (7,51 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hàng năm. Ngoài ra, nhà chức trách cũng có thể thu hồi giấy phép hoặc yêu cầu ngừng hoạt động.
Mục đích của dự luật mới được cho là giúp 900 triệu người dùng internet của Trung Quốc được bảo vệ tốt hơn, trước những lo ngại dữ liệu cá nhân bị sử dụng sai mục đích.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là đòn đáp trả của Bắc Kinh trước những lệnh cấm gần đây mà Washington nhằm vào hai ứng dụng công nghệ Trung Quốc là TikTok và WeChat.
Cũng theo tạp chí Nikkei Asia, Luật mới có vẻ đang nhắm vào các công ty Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc như Microsoft hay Apple. Ngoài ra, nhiều công ty bán lẻ hay sản xuất ô tô của Nhật Bản đang muốn mở rộng tại nước này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Dự thảo Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân sẽ được tiếp tục trưng cầu ý kiến đến giữa tháng 11, và có thể có hiệu lực từ năm 2021.
Theo các chuyên gia, dự luật này cùng với Luật an ninh mạng có hiệu lực hồi năm 2017 và dự thảo Luật bảo mật dữ liệu được công bố vào tháng 7 vừa qua, sẽ tạo nên một hành lang pháp lý chặt chẽ giúp Bắc Kinh siết chặt hơn quyền kiểm soát đối với internet tại nước này.