Do thiếu vốn nên các nhà thầu Nhật Bản đã dừng thi công xây dựng cầu Bình Khánh, Phước Khánh - Ảnh: VĂN BÌNH
Ngày 23-10, theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM và Đồng Nai), VEC vừa gửi một loạt văn bản đến các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Kiểm toán nhà nước đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do thiếu vốn trầm trọng ở cao tốc Bến Lức - Long Thành - công trình trọng điểm quốc gia.
Theo VEC, 8 gói thầu vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á - ADB thi công từ tháng 5-2015 đến nay đã đạt 4.431 tỉ đồng, tương đương 72,6% giá trị hợp đồng. Thời gian qua do chưa có vốn thanh toán cho các nhà thầu đã thực hiện khối lượng xây lắp, nên nhiều nhà thầu không đồng ý tiếp tục triển khai thi công trở lại.
Cụ thể là sau khi Hiệp định lần 1 vay ADB trị giá 350 triệu USD kết thúc tháng 6-2019, các nhà thầu không tiếp tục thi công do không có vốn. Còn ở Hiệp định vay vốn lần 2 trị giá 286 triệu USD, do chưa được gia hạn nên các nhà thầu thi công cầm chừng đến cuối năm 2019 và dừng thi công đầu năm 2020.
VEC chưa nghiệm thu khối lượng đã thi công và chưa thanh toán tiền cho nhà thầu vì chờ Hiệp định vay vốn lần 2 được gia hạn.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có vốn đầu tư 1,6 tỉ USD bị đình trệ vì thiếu vốn - Ảnh: VĂN BÌNH
Tháng 8-2020, Bộ Tài chính đã đề xuất ADB gia hạn hiệp định tài trợ lần 2 trị giá 286 triệu USD đến 31-12-2023. Để sớm có vốn cho dự án, VEC kiến nghị các bộ sớm có công thư đề nghị ADB chấp thuận gia hạn hiệp định vay lần 2 để sớm có vốn thanh toán cho các nhà thầu thi công trở lại.
VEC cho biết nhu cầu cần có vốn cho dự án trong năm 2020 là 17 triệu USD, năm 2021 là 87,7 triệu USD, 2022 là 53,2 triệu USD và năm 2023 là 54,13 triệu USD.
Không những khó khăn về vốn vay nước ngoài, dự án còn gặp khó khăn về vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước chi trả tiền đền bù giải tỏa. Từ đầu tháng 1-2019 đến nay dự án không được giao vốn đối ứng. Do đó, các địa phương cũng không thể hoàn thành giải tỏa 46 hộ dân còn lại, gồm 17 hộ ở TP.HCM và 29 hộ ở Đồng Nai, để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
UBND các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM đã có các văn bản đề nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải và VEC bố trí ngay vốn cho dự án để hoàn thành công tác đền bù giải tỏa. Theo VEC, nhu cầu vốn cấp bách cho đền bù giải tỏa khoảng 130 tỉ đồng.
Cũng theo VEC, ngày 13-10-2020, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo về vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng theo cam kết trong hiệp định vốn vay. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp làm việc với Kiểm toán nhà nước về việc xem xét áp dụng pháp luật theo đúng điều ước quốc tế.
Tuy nhiên đến ngày 22-10, VEC vẫn chưa nhận được phản hồi nên kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng để sớm thống nhất quan điểm áp dụng về việc giao vốn đối ứng cho công tác đền bù giải tỏa.
VEC kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc để giúp dự án sớm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh, tái khởi động thi công để sớm đưa dự án cao tốc vào vận hành khai thác.
TTO - Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã lỗi hẹn hoàn thành vào năm 2018, nay vẫn chưa xác định thời gian hoàn thành vì nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn.
Xem thêm: mth.89002342132010202-nov-cat-iv-gnoc-iht-gnud-hnaht-gnol-cul-neb-cot-oac/nv.ertiout