Những ngày qua, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện, để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ, đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều người ủng hộ song cũng không ít ý kiến lo ngại cách làm từ thiện của nữ ca sĩ sẽ khiến cô gặp rắc rối về mặt pháp lý.
Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng (gọi tắt là Nghị định 64)… không quy định những cá nhân, nhóm người như Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Bàn về vấn đề này, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Pháp luật không phải là rào cản lòng tốt
PV: Theo dõi diễn biến trận lũ lụt đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung và hành động của ca sĩ Thủy Tiên trực tiếp trao quà đến tận tay đồng bào, sau khi huy động được hơn 100 tỷ đồng, luật sư có cảm nhận thế nào?
LS Đặng Văn Cường: Trước hết, bản thân tôi rất bất ngờ khi ca sĩ Thủy Tiên chỉ trong một thời gian ngắn có thể huy động được số tiền lớn như vậy. Có lẽ số tiền này đã phá vỡ kỷ lục của tất cả các hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân trước đó. Chúng ta không nên phê phán hay lên án những hành động như vậy, bởi nó đã lan tỏa được những giá trị nhân văn của người dân Việt trong bối cảnh nhiều người dân miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay.
PV: Một số người cho rằng theo khoản 3, Điều 5, Nghị định 64 thì ngoài các tổ chức, đơn vị như ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội Chữ thập đỏ Việt Nam…, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ; do đó, việc ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền từ thiện của người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung là vi phạm pháp luật. Về quan điểm này, luật sư nhìn nhận ra sao?
LS Đặng Văn Cường: Dưới góc độ pháp lý thì pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên là cá nhân đứng ra tiếp nhận thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với cá nhân, tổ chức đã gửi tiền, hàng hóa cho mình để đi làm từ thiện.
Có thể hiểu, những người tự nguyện gửi tiền cho Thủy Tiên là cá nhân, tổ chức ủy thác cho một cá nhân khác thay mặt mình giúp đỡ cho những người gặp thiên tai. Đây là giao dịch dân sự bình thường giữa người gửi và người giao. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Bộ luật Dân sự 2015 điều chỉnh. Vì vậy, nếu cho rằng Thủy Tiên vi phạm Nghị định 64 thì đó là lập luận pháp lý hoàn toàn sai lầm.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
LS Đặng Văn Cường: Theo khoản 2, Điều 156 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Nghị định 64, nên giả sử có mâu thuẫn, chồng chéo giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 64 thì Bộ luật Dân sự 2015 sẽ được ưu tiên áp dụng.
PV: Có ý kiến cho rằng, Thủy Tiên có thể chuyển bớt số tiền đó cho các tổ chức đang làm từ thiện, hoặc cơ quan Nhà nước để họ cùng chung tay chuyển tới người dân. Như vậy sẽ kịp thời hơn, bởi Thủy Tiên không thể đi hết được tới các vùng cần cứu trợ và nếu đi hết sẽ mất nhiều thời gian. Luật sư nghĩ sao về việc này?
LS Đặng Văn Cường: Tôi nghĩ không nên và cũng không được làm như được. Bởi, như tôi đã nói, những người chuyển tiền cho Thủy Tiên là những người tin tưởng vào ca sĩ này, họ chuyển tiền với điều kiện Thủy Tiên phải trực tiếp thực hiện hoạt động thiện nguyện theo đúng nội dung thông tin mà cô đã đưa ra trước đó.
Việc chuyển giao tiền cho tổ chức, cá nhân khác có thể dẫn đến mất mát, thất lạc hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng với mục đích cam kết ban đầu. Bởi vậy nếu việc quản lý số tiền đó và hoạt động từ thiện có khó khăn thì ca sĩ này chỉ có thể liên hệ với các cơ quan chức năng như hội Chữ thập đỏ, ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ chứ không thể chuyển giao nghĩa vụ đó cho bên thứ ba nếu như không được những người đã góp tiền đồng ý.
Cần sửa luật để phù hợp thực tiễn
PV: Có ý kiến cho rằng, quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề làm từ thiện còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Quan điểm của luật sư ra sao?
LS Đặng Văn Cường: Hiện nay, hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp trợ giúp xã hội được quy định bởi Nghị định số 64 và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của bộ Tài chính. Trong đó, có quy định nếu là cá nhân muốn nhận tiền, hàng cứu trợ một cách hợp pháp cần thành lập quỹ từ thiện. Đây là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.
Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nêu trên ban hành đến nay đã hơn 10 năm, điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, vấn đề đạo đức xã hội cũng có những chuyển biến theo. Bởi vậy, tôi cho rằng cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có. Và hơn hết, là để những quy định pháp luật trên không trở thành rào cản cho các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện.
PV: Trong trường hợp một cá nhân nhận tiền từ thiện do nhiều nhà hảo tâm quyên góp mà không gửi đến đúng đối tượng hoặc vi phạm cam kết sử dụng, thì việc xử phạt được quy định như thế nào, thưa luật sư?
LS Đặng Văn Cường: Trong trường hợp ai đó lợi dụng hoạt động này để trục lợi, lừa đảo thì đã có những chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng các quy định như tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
“Việc kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ của ca sĩ Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính nhân văn và đạo đức. Giả sử có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến. Cho nên, cần phải phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác nhau để nhận định đúng hay sai” - Luật sư Đặng Bá Kỹ (đoàn Luật sư TP.HCM).