vĐồng tin tức tài chính 365

Gỡ nút thắt kìm hãm năng suất lao động

2020-10-24 07:58

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu tăng năng suất lao động (NSLĐ) trong giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, đổi mới khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt, có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

NSLĐ đã cải thiện nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Đánh giá về vấn đề này, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: NSLĐ đã được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 4,87%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,37%/năm); Malaysia (2,04%/năm); Thái Lan (3,17%/năm); Indonesia (3,59%/năm); Philippines (4,33%/năm)...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù NSLĐ tăng nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng. Chỉ thị 07/CT-TTg của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mức NSLĐ theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Theo chuyên gia kinh tế - GS.TS Trần Thọ Đạt (đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019”), NSLĐ thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do những ngành có NSLĐ thấp lại chiếm tỉ trọng lao động cao, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp là những lực kéo kìm hãm thúc đẩy năng suất lao động.

Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và đang phải đối diện với những thách thức lớn về thiếu hụt lao động có trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nền kinh tế trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế số, đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Khoa Kinh tế cơ sở - Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu: Rào cản từ thể chế; Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của Việt Nam còn chiếm tỉ trọng thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế...

“Điều này thể hiện rõ ở tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn” - bà Trang cho biết.

Gỡ các nút thắt cơ bản kìm hãm NSLĐ

Chỉ thị 07/CT-TTg của Chính phủ ngay từ đầu năm đã đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng NSLĐ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, hàng hóa bị ngưng trệ, thị trường “đóng băng”... đã tác động lên nhiều mặt, trong đó gây khó khăn cho việc đánh giá một cách thực chất NSLĐ trong 10 tháng năm 2020.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, trong khi hộ kinh tế gia đình chiếm đến 30% GDP. Do đó, việc nâng cao năng suất ở khu vực này, với 5,1 triệu hộ kinh doanh và 9 triệu lao động, chính là nút thắt quan trọng trong việc nâng cao năng suất của quốc gia.

Đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện, an ninh lương thực được bảo đảm, năm 2020 xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỉ USD. Đặc biệt, nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... phát triển nhanh. Điều này phản ánh NSLĐ đã được cải thiện và tạo tiền đề để đẩy NSLĐ năm 2021 và các năm tiếp theo cao hơn nữa, để NSLĐ giai đoạn 2021-2025 có thể tăng bình quân trên 6,5%/năm.

Xem thêm: odl.690848-gnod-oal-taus-gnan-mah-mik-taht-tun-og/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gỡ nút thắt kìm hãm năng suất lao động”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools