Phát triển năng lực Agile trong lãnh đạo doanh nghiệp
Vũ Tuấn Anh(*)
(TBKTSG) - Trong vài năm trở lại đây, khái niệm Agile (1) được nhắc đến nhiều trong việc phát triển năng lực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Giải thích tầm quan trọng của Agile đối với năng lực lãnh đạo, các chuyên gia cho rằng có sự phù hợp với mô hình “ba chiếc hộp” mà GS. Vijay Govindarajan tại trường kinh doanh Harvard đưa ra trong quyển The Three-Box Solution. Theo ông, doanh nghiệp luôn có ba chiếc hộp để hoạt động: chiếc hộp quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Chiếc hộp thứ nhất - quá khứ, có giá trị khẳng định những nguyên tắc và cách thức vận hành đã được chứng minh mang lại kết quả tốt; chỉ rõ những gì sai lầm sẽ mang lại thiệt hại cho doanh nghiệp nếu như lặp lại.
Chiếc hộp thứ hai - hiện tại, sẽ hướng tới sử dụng các nguyên tắc trong quá khứ nhằm hạn chế tối đa các lỗi sai hỏng lặp lại để đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất.
Chiếc hộp thứ ba chỉ ra các nguyên tắc vận hành tương lai vốn rất ít khi được chú ý trong hiện tại. Theo mô hình ba chiếc hộp, doanh nghiệp thay vì đối mặt tương lai bất ổn cần chủ động kiến tạo tương lai cho chính mình.
Tương đồng với mô hình ba chiếc hộp, năng lực Agile nói trên gửi tới một triết lý kinh doanh: không thể tách rời ba giai đoạn của doanh nghiệp bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Người lãnh đạo có tâm thế Agile cần duy trì những cái tốt trong quá khứ, vận hành hiệu quả hiện tại và tìm tòi những cái mới trong tương lai, để hiện tại, quá khứ và tương lai song hành.
Vận dụng mô hình ba chiếc hộp và Agile để phát triển năng lực lãnh đạo doanh nghiệp, có thể dựa vào những nguyên tắc dưới đây:
Market changing insight - Thấu cảm thị trường thay đổi
Thấu cảm thị trường thay đổi là thuật ngữ mô tả doanh nghiệp nhận và hiểu những thay đổi nhỏ nhưng sâu sắc của hành vi khách hàng. Kinh doanh bắt nguồn từ khách hàng do vậy tất cả những gì thay đổi đều diễn ra tại đây.
Theo triết lý ba chiếc hộp thì thấu cảm thị trường thay đổi chính là những hạt mầm cho chiếc hộp thứ ba (tương lai) đang còn trong chiếc hộp thứ hai (hiện tại). Các doanh nghiệp đang bận rộn trong vận hành chiếc hộp thứ hai rất dễ dàng bỏ quên những thấu cảm thị trường này vì nó quá nhỏ trong thời gian ban đầu. Phát triển năng lực Agile cho lãnh đạo và doanh nghiệp thực sự đơn giản khi bắt đầu tìm hiểu thấu cảm thị trường thay đổi một cách hệ thống và chi tiết.
Market experiences - Trải nghiệm thị trường
Thấu cảm thị trường là bước đầu tiên và sẽ không mang giá trị nếu như lãnh đạo không thực hiện bước kế tiếp - trải nghiệm thị trường. Từ những hạt mầm thay đổi nhỏ bé, lãnh đạo cần thực hiện các trải nghiệm nhằm trả lời những câu hỏi quan trọng: 1. Khách hàng thay đổi như thế nào? 2. Tại sao họ thay đổi? 3. Những giá trị gì khác biệt khi khách hàng thay đổi? 4. Các yếu tố chủ quan, khách quan nào thúc đẩy xu hướng thay đổi gia tăng? 5. Các thay đổi này sẽ có xu hướng như thế nào trong tương lai gần? 6. Các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực trên thế giới và khu vực đang chuyển đổi theo xu hướng này như thế nào? 7. Những rủi ro nào sẽ xảy ra nếu xu hướng này thành chính yếu trên thị trường?
Lãnh đạo trong giai đoạn này đặt mình vào trong thấu cảm thị trường và nhìn thị trường hiện tại với con mắt của chiếc hộp thứ ba - tương lai. Một cách hình tượng, trải nghiệm thị trường chính là con tàu vượt thời gian mang lãnh đạo tới tương lai để quay lại nhìn về quá khứ và hiện tại.
Market action - Kiểm thử thị trường
Sau khi trải nghiệm những gì xảy ra, lãnh đạo đối mặt với thách thức lớn nhất đó là hành động kiểm thử trên thị trường với những thay đổi và trải nghiệm đã có. Tại bước này, lãnh đạo cần chấp nhận những tổn thất hoặc chi phí cần có để trả giá cho những bài học và kinh nghiệm có được.
Nhìn lại trong bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào, những thành tích hay nền tảng trong hiện tại đều bắt nguồn từ những thất bại trong quá khứ. Lãnh đạo trong thời đại mới có trách nhiệm thúc đẩy thật nhanh những kiểm thử thị trường để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ những trải nghiệm và thấu cảm thị trường thay đổi. Đây là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của lãnh đạo trong chiếc hộp hiện tại bên cạnh tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp theo cách tiếp cận truyền thống.
Organization improve/ innovate - Cải tiến đổi mới phương thức vận hành doanh nghiệp
Đối với những trải nghiệm và thấu cảm thay đổi thị trường đã được chứng minh có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong tương lai từ việc kiểm thử thị trường, lãnh đạo cần phát triển các kết quả thông qua chương trình cải tiến hoặc đổi mới cách thức vận hành hiện tại. Trong giai đoạn này, lãnh đạo đang nhân rộng tác động của những yếu tố tương lai trong chiếc hộp thứ hai (hiện tại) với cường độ và quy mô rộng hơn. Các lãnh đạo là những tác nhân thay đổi thúc đẩy và dẫn dắt toàn bộ doanh nghiệp nhận thức các trải nghiệm và thấu cảm thay đổi thị trường đã được chứng minh trong hiện tại.
Organization transform - Chuyển hóa phương thức vận hành tại doanh nghiệp
Tại bước cuối cùng, lãnh đạo sau khi có được những kết quả từ các kế hoạch đã triển khai sẽ tiến hành chuyển hóa toàn bộ nền tảng cũng như cách thức vận hành của doanh nghiệp hướng tới tương lai. Bước cuối cùng này chỉ thực hiện khi và chỉ khi các trải nghiệm và thấu cảm thay đổi thị trường đã trở thành xu hướng. Đây chính là giá trị quan trọng của việc kết hợp năng lực Agile và mô hình ba chiếc hộp khi cho phép doanh nghiệp có thể trải nghiệm tương lai ngay trong hiện tại để đánh giá mức độ thay đổi và ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh doanh.
Khi triển khai tại cấp độ này, doanh nghiệp đã hoàn toàn chuyển hóa phương thức vận hành theo xu hướng mới mà chúng ta có thể thấy ở các doanh nghiệp vận hành thị trường xe công nghệ, giao nhận, đào tạo trực tuyến, FinTech, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...
Lãnh đạo có hai nhiệm vụ quan trọng: tối ưu hóa hiện tại và đối phó hoàn hảo với những thách thức thậm chí chưa nhận diện rõ trong tương lai. Việc phát triển năng lực Agile với các bước đề cập ở trên có thể giúp lãnh đạo thực hiện tốt hai nhiệm vụ này.
(*) Chuyên gia khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo - đào tạo và tư vấn doanh nghiệp
(1) Agile: khả năng linh hoạt, sẵn sàng đổi mới, cải tiến hiện trạng nhằm thích ứng với biến đổi bên trong và thay đổi bên ngoài, hướng tới những giá trị đột phá trong doanh nghiệp, hướng tới khách hàng, cộng đồng và xã hội.
Xem thêm: lmth.peihgn-hnaod-oad-hnal-gnort-eliga-cul-gnan-neirt-tahp/107903/nv.semitnogiaseht.www