Sandrine Egron (mặc áo dài xanh) trao đổi với hai nhân viên thuộc Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM trong buổi ra mắt trang web Bác sĩ giải đáp ngày 13-10 - Ảnh: InnYTe
Mới đây, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức sự kiện ra mắt trang web phi thương mại bac-si-giai-dap.com thuộc dự án hợp tác Pháp - Việt. Đây là trang cung cấp kiến thức về bệnh hen suyễn và bệnh viêm tắc phổi mãn tính (COPD).
Sandrine Egron là người đã nghĩ ra ý tưởng và phụ trách phát triển, điều phối trang web đó.
Hành trình khám phá Việt Nam
Từ lúc còn là cô bé 10-12 tuổi, Sandrine đã có mối liên hệ thật gần với Việt Nam. Một trong những người bạn thân nhất của Sandrine lúc ấy là một cô bạn gốc Việt và Sandrine vẫn nhớ đã được nghe ba bạn mình nói tiếng Việt Nam. Nhưng phải tới năm 2017, khi tham gia tour du lịch xuyên châu Á, cô mới thực sự có cơ hội trải nghiệm và khám phá quốc gia quê hương của người bạn thân.
Ký ức những ngày đầu tiên ở Việt Nam với Sandrine vẫn còn tươi rói. "Tôi rất ấn tượng với năng lượng dồi dào của đất nước này, mọi người khiến tôi cảm thấy mình như đang ở nhà. Người Việt Nam thực sự rất hiếu khách và luôn tò mò về người khác. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình kết nối với mọi người dễ dàng hơn", Sandrine nhớ lại.
Trước khi tới Việt Nam, Sandrine từng có 2 năm sống ở Ý và 3 năm sống ở Đức. Với cô gái 31 tuổi này, được hòa mình và trải nghiệm thực sự trong nền văn hóa mới luôn là hành trình đầy ắp những điều ngạc nhiên thú vị.
(Từ trái qua) BS Lê Thị Tuyết Lan, Tùy viên hợp tác Y tế và Phát triển Xã hội tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, người phiên dịch và cô Sandrine Egron trong buổi ra mắt trang web Bác sĩ giải đáp - Ảnh: KIM THOA
Trò chuyện cùng chúng tôi, Sandrine không quên nhắc tới một điều cô vô cùng thích thú khi sống ở Việt Nam: "Với người Pháp, đồ ăn là vấn đề quan trọng. Chúng tôi có thể trò chuyện hàng giờ đồng hồ về những món ăn yêu thích của mình, những món bánh khoái khẩu nhất. Tôi nhận thấy người Việt Nam cũng có đam mê này và tôi rất thích đồ ăn Việt Nam, thích hương vị của nó".
Là tiến sĩ về khoa học y khoa và cũng là một doanh nhân trong lĩnh vực y tế số, ngay từ khi mới tới Việt Nam, cô đã được mời đến Đại học Y dược TP.HCM để quan sát một ca phẫu thuật thay van tim sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Cô cũng được gặp nhiều doanh nhân Việt Nam chuyên về giải pháp hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine).
Tới giờ cô vẫn không quên cảm xúc đặc biệt ấn tượng khi đến thăm phòng thí nghiệm của giáo sư Võ Văn Tới, nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). "Phòng thí nghiệm quá tuyệt vời cho sinh viên, khiến tôi cũng muốn được đi học lại!", Sandrine cười nhớ lại.
Song những ngày ở Việt Nam cũng khiến cô nhận ra các bệnh viện công đông đúc thế nào, y bác sĩ quá tải ra sao khi phải chăm sóc, khám chữa bệnh cho rất nhiều người bệnh đổ dồn về mỗi ngày.
Từ lâu Sandrine đã luôn nghĩ tới các giải pháp nhằm đưa tiến bộ công nghệ vào lĩnh vực y tế, chẳng hạn các thuật toán giúp chẩn đoán chứng rối loạn nhịp tim qua điện tâm đồ, hay giúp những bệnh nhân tiểu đường có thể tự kiểm soát tốt lượng đường của họ, hoặc cá nhân hóa phương pháp điều trị cho người bệnh ung thư...
Sandrine hiểu rằng Việt Nam cần có thêm những giải pháp công nghệ tiến bộ như vậy, và hoàn toàn có thể thực hiện điều đó trên cơ sở hợp tác với đội ngũ y bác sĩ và các lập trình viên Việt Nam.
Gần một năm sau chuyến thăm châu Á, tháng 3-2018, Sandrine trở lại TP.HCM và bắt tay thành lập công ty khởi nghiệp (startup) InnYTe, một trung tâm y tế số, để bước đầu hiện thực hóa những ý nghĩ đó.
Sáng kiến từ COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm là nguyên cớ chính khiến Sandrine nảy ra ý tưởng và dồn tâm huyết phát triển trang web bac-si-giai-dap.com. Theo cô, trong bối cảnh này, mọi người đều rất quan tâm tới những triệu chứng bệnh lý hô hấp như khó thở và ho. Tuy nhiên, những điểm này khi trở thành kinh niên lại có thể là triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (tên bệnh viết tắt theo tiếng Anh là COPD).
Rất nhiều người có thể đã biết tới COVID-19 dù nó chỉ mới bùng lên từ đầu năm nay, trong khi COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trên thế giới theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì hầu hết mọi người lại chưa từng nghe về nó.
Sandrine cho rằng mục tiêu đầu tiên của trang web bac-si-giai-dap.com là nâng cao nhận thức về các bệnh hô hấp mãn tính. Mục tiêu thứ hai của trang web là giúp người bệnh giải quyết tốt và chủ động với tình trạng bệnh mãn tính của họ trong cuộc sống hằng ngày.
Xác định ngay từ đầu trang web này là một dự án phi thương mại và vì cộng đồng, nhưng nhóm của Sandrine đã dồn rất nhiều sức lực, thời gian và dĩ nhiên cả tiền bạc vào đó. Với Sandrine, dù vất vả nhưng mọi nỗ lực đó đều đáng làm vì chẩn đoán sớm các bệnh mãn tính là vấn đề tối quan trọng, và những người đã mắc bệnh mãn tính luôn cần nhiều sự hỗ trợ hơn.
"Có một câu tôi vẫn thường nghe người bệnh nói: "Tôi rất lo". Hầu hết mọi người đều không biết làm sao để xử lý tình trạng bệnh của họ trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một gánh nặng cả về thể chất lẫn tinh thần với bản thân người bệnh và gia đình họ. Chúng ta có thể thay đổi điều đó. Mọi người có thể giúp chúng tôi thay đổi điều đó", Sandrine chia sẻ.
Trong lúc trang web bac-si-giai-dap.com dần đi vào hoạt động ổn định và hoàn thiện, công ty InnYTe của Sandrine cũng đang phát triển một ứng dụng trên thiết bị di động giúp cải thiện việc quản lý các bệnh mãn tính. Với Sandrine, mọi sáng kiến y tế lúc nào cũng chỉ luôn tập trung cho hai mục tiêu đau đáu của cô: cải thiện chất lượng sống của người bệnh và giảm số người mắc bệnh kinh niên phải vào viện điều trị.
Được nhiều chuyên gia đầu ngành ủng hộ
Sáng kiến Bác sĩ giải đáp nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ lớn của Hội đồng y khoa gồm các chuyên gia đầu ngành của Pháp và Việt Nam là GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn (GS y học và sinh lý học hô hấp tại ĐH Paris, Pháp), GS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan (chuyên gia sinh lý học và y học hô hấp ĐH Y dược TP.HCM), GS Marc Humbert, GS.BS Trần Văn Ngọc (phó trưởng khoa y, ĐH Y dược TP.HCM) và GS.BS Nicolas Roche (GS y học hô hấp Pháp).
Bên cạnh đó Hội đồng y khoa cũng đã lựa chọn một nhóm các bác sĩ hô hấp Việt Nam đảm nhiệm phần nội dung cho trang web, trong khi startup chuyên về các sáng chế trong y tế InnYTe sẽ lo phần phát triển trang web.
Viện Di truyền Y học - Gene Solutions đã triển khai sáng kiến kết hợp các xét nghiệm di truyền với nhau chỉ trong 1 lần lấy máu, để tiết kiệm thời gian, chi phí và giúp các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh.
Xem thêm: mth.11865048042010202-91-divoc-ut-teiv-hneb-iougn-puig-et-y-neik-gnas-av-pahp-iag-oc/nv.ertiout