Sáng 23/10, thời tiết tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình khô ráo, nước lũ đã bắt đầu rút. Người dân bắt đầu trở về nhà khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong trận lụt lịch sử này, huyện Lệ Thủy được coi là "tâm lũ" của Quảng Bình. Đến ngày hôm nay, tuy nước đã dần rút xuống, tuy nhiên do nơi đây là vùng trũng nên nhiều xã vẫn chưa thể tiếp cận bằng đường bộ, nhiều đường liên thôn, liên xã vẫn chưa thể thông tuyến do một số vị trí còn ngập sâu.
Ghi nhận tại xã Hồng Thủy và An Thủy sáng nay, nhiều nhà dân vẫn còn ngập trong nước lũ. Dù mực nước đang dần rút xuống, tuy nhiên, sau lũ, thiệt hại về tài sản, đặc biệt là nhà cửa lại cực kỳ nặng nề.
Hầu hết các ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ đều hư hỏng nặng. Có nhiều ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Nhà cụ ông Nguyễn Văn Nồng (78 tuổi) vợ Hoàng Thị Lanh (78 tuổi). Đêm 21/10, nước lũ lên quá nhanh, 2 ông bà chẳng biết cầu cứu ai, may nhờ dân làng không ngại nguy hiểm chèo thuyền đưa vợ chồng cụ đến nơi an toàn.
Sau lũ, ngôi nhà của cụ Nồng gần chỉ còn là đống đổ nát, đã không còn hình dạng của ngôi nhà nguyên vẹn.
Cụ Nồng thẫn thờ trước căn nhà đổ sập, tan hoang sau lũ. Giờ đây, 2 vợ chồng cụ đã quá già để có thể làm lại từ đầu.
Có lẽ sẽ phải mất rất nhiều thời gian, mọi thứ nơi đây mới có thể quay về lại như trước khi lũ đến.
Không còn 1 vật dụng có giá trị nào sót lại sau cơn lũ dữ...
...thay vào đó là 1 đống đổ nát, tan hoang.
Nhưng dù thế, người dân nơi đây vẫn rất lạc quan. Người đàn ông vui vẻ lội nước đi nhận đồ cứu trợ, để tiếp sức xây dựng lại cuộc sống từ đầu.
Cô bé ngồi trong nhà nhìn ra dòng nước lũ. Có thể cháu còn quá bé để hiểu hết những gì gia đình đã trải qua.
Mùa lũ dữ kinh hoàng đã cướp đi quá nhiều thứ của người dân nơi đây.
GIA ĐOÀN
PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC