Đỗ Đức Nguyên bên góc học tập của mình ở nhà - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đó là nội dung tin nhắn của nam sinh tên Đỗ Đức Nguyên - học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) gửi đến Câu lạc bộ tư vấn tuyển sinh trực thuộc phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) lúc 22h đêm 9-10, trước ngày nhập học.
Bạn Nguyễn Hữu Triều - thành viên CLB tư vấn tuyển sinh nhà trường - cho biết: "Nhận được tin nhắn, tôi liên lạc lại ngay thì biết Nguyên ở quận Tân Phú, TP.HCM, gia cảnh vô cùng khó khăn nên đã thông tin trên Fanpage trường kêu gọi các bạn quyên góp giúp đỡ để em ấy được đi học đại học".
Hôm làm thủ tục nhập học, Nguyên chỉ còn đúng 50.000 đồng. "Chúng tôi quyên góp được 3.760.000 đồng, giúp Nguyên đăng ký vào ở Ký túc xá khu B ĐH Quốc gia TP.HCM, mua bảo hiểm y tế, mua sắm nhu yếu phẩm và đồ dùng cá nhân…
Tôi cũng liên hệ nhà trường để xin các quỹ học bổng, nhà tài trợ giúp đỡ, nhưng cần có thời gian xem xét và chọn lọc nên hiện tại chưa có kết quả", Triều chia sẻ.
Chiều 22-10, phóng viên Tuổi Trẻ Online tìm đến nhà căn nhà cũ kỹ, ẩm thấp ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Gặp chúng tôi, Nguyên ngại ngùng nói: "Nhà em mùa nắng thì oi nóng, mùa mưa thì ủ dột, ẩm ướt, không có chỗ để tiếp khách…".
Góc học tập của Đức Nguyên là chỗ tươm tất nhất trong căn nhà với bàn ghế gỗ cũ được đặt ngay cửa chính. Do căn nhà tối om nên khi ngồi vào bàn học, dù ban ngày Nguyên vẫn phải bật đèn bàn.
Mặt bàn học lót tấm kính mỏng, bên dưới để bản photo bằng tốt nghiệp đại học "kỹ sư giáo dục" hệ chính quy do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cấp và một số chứng chỉ tin học đều mang tên Đỗ Bạch Phụng. Trên tường dán một bài báo "Học cách nào để có thể sáng tạo?" đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Nghe có khách đến nhà, một người đàn ông mồ hôi ướt đẫm, khuôn mặt tỏ vẻ khá mệt mỏi, từ sau nhà bước ra. Ông là cha Nguyên và là chủ nhân mấy tấm bằng. "Mấy bữa đi trực dân quân trời mưa nắng bất thường nên bị cảm, ho mệt quá", ông nói.
Từ khi cuộc sống vợ chồng tan vỡ, ông sống cảnh "gà trống nuôi con" hơn chục năm qua, một thân lo cho hai con trai ăn học.
"Cha là chỗ dựa cho hai anh em từ tấm bé đến nay. Trước đây cha làm xây dựng nhưng anh của em bị bệnh nặng không ai nuôi nên cha bỏ việc để ở nhà chăm con", Nguyên chia sẻ.
Cách đây vài năm, ông Phụng xin phường làm bảo vệ dân phố, mỗi tháng được trợ cấp 2,2 triệu đồng. Anh trai Nguyên trước đây theo học ngành điều dưỡng ở một trường cao đẳng nhưng gia cảnh quá khó khăn nên chỉ theo đến đầu năm thứ ba rồi bỏ.
"Cha vẫn luôn động viên em phải luôn coi nuôi sự học, lấy sự học làm đầu. Hiện nay anh trai đang đi nghĩa vụ để dành cơ hội cho em đi học", Nguyên ngậm ngùi.
Học phí từ hội khuyến học địa phương
Nói về gia cảnh "cậu học trò ngoan hiền" của mình, cô Võ Thị Mộng Điệp - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A20 Trường THPT Tây Thạnh, cho biết nhà trường biết rõ hoàn cảnh Đỗ Đức Nguyên nên miễn học phí và có nhiều hỗ trợ để em không bỏ học.
"Số tiền em Nguyên chi trả học phí trước đây đều từ học bổng khuyến học của địa phương, bạn bè và hàng xóm hỗ trợ. Từ bé em đã thiếu tình thương của mẹ, rất ngại nói về hoàn cảnh gia đình mình. Đầu năm lớp 12, do quá khó khăn, em ấy mới gặp tôi để xin miễn giảm học phí. Các em trong lớp đã đóng góp mua cho Nguyên bảo hiểm y tế", cô Điệp cho biết thêm.
TTO - 3 tân sinh viên tới từ các thôn làng nghèo khó của tỉnh Quảng Nam tự tin bước vào giảng đường đại học, với hành trang tràn đầy nghị lực và sự nâng đỡ bước chân kịp thời từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Xem thêm: mth.29365949132010202-coh-pahn-id-gnod-000-05-mac-neiv-hnis-nat/nv.ertiout