Covid-19 là ‘thời cơ’ để doanh nghiệp chuyển đổi số
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Đại dịch Covid-19 đã kiến cho các kế hoạch tăng trưởng kinh doanh, phát triển thị phần của doanh nghiệp chậm lại nhưng đây cũng là lúc doanh nghiệp chú trọng vào định hướng chuyển đổi số, từ đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và đón đầu xu thế thị trường sau khi dịch bệnh qua đi.
Công ty DP Consulting chính thức vận hành hệ thống chuyển đổi số hôm 23-10- Ảnh: Nguyễn Đăng |
Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua tình thế khó khăn này. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt thời cơ để chuyển sổi số, đặc biệt là thời điểm Chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội toàn quốc. Điều này thấy rõ nhất ở các doanh nghiệp bán lẻ khi triển khai bán hàng đa kênh.
Nhiều doanh nghiệp đã kịp thời thay đổi để thích ứng với quy định giãn cách xã hội bằng việc chủ động lên phương án để nhân viên làm việc tại nhà, số hóa quy trình vận hành doanh nghiệp, tự động hóa quản lý công việc, tự động giao việc nhằm hạn chế nhân viên làm việc tại văn phòng.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, hiện nay phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức về chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng số còn khác nhau. Doanh nghiệp luôn trong trạng thái lo ngại hoặc né tránh, chưa dám tiếp cận chuyển đổi số.
Vấn đề nan giải nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là chi phí để thực hiện chuyển đổi số. Về vấn đề này ông Dũng cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Hội Tin học TPHCM sẽ dành khoảng 4 tỉ đồng hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số trong năm 2021. Đồng thời tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có nhiều nội dung, nhiều bước khác nhau, chủ doanh nghiệp phải nhận thức, có quyết tâm hành động thì mới thành công.
Vào ngày 23-10, Công ty DP Consulting, một doanh nghiệp tại TPHCM đã chính thức vận hành hệ thống số quản trị doanh nghiệp do Công ty FPT IS xây dựng với chi phí hàng chục tỉ đồng.
Hệ thống quản trị doanh nghiệp được cài đặt trên nền tảng phần cứng Amazon (AWS Cloud) bao gồm 8 hạng mục gồm quản lý tài chính kế toán; quản lý mua và bán hàng; quản lý kho; quản lý sản xuất; quản lý thi công; quản lý dự án; quản lý cơ hội kinh doanh CRM; tích hợp hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử và hệ thống báo cáo quản trị.
Lợi ích của hệ thống quản trị doanh nghiệp là giúp vận hành xuyên suốt các quy trình giúp các bộ phận mua hàng, bán hàng, sản xuất, kho vận hậu cần… có thể cập nhật chia sẻ dễ dàng. Bên cạnh đó, thông tin từ hệ thống rất rõ ràng, minh bạch giúp cấp lãnh đạo dễ dàng ra quyết định trong điều hành doanh nghiệp.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty DP Consulting cho biết, doanh nghiệp đã cân nhắc nhiều năm, trước khi tiến hành chuyển đổi số. Việc đầu tư hàng chục tỉ đồng để chuyển đổi số và sử dụng hệ thống ERP trong quản trị doanh nghiệp là một quyết định mang tính đột phá.
“Đại dịch Covid-19 làm cho kinh doanh của chúng tôi chậm lại nhưng cũng là lúc thời cơ chuyển đổi số đã đến và chúng tôi đã nắm bắt cơ hội này. Sau khi áp dụng nền tảng quản lý mới chúng tôi kỳ vọng gia tăng doanh thu và thị phần ở mảng kinh doanh trọng yếu mà công ty đang làm là cungc ấp hệ thống thủy động cơ, hệ thống máy phát điện dự phòng cho các công trình trọng điểm, mở các tuyến vận tải thủy quốc tế… Đồng thời, sẽ đón nhận thêm rất nhiều cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài”, ông Hải kỳ vọng.
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2030 phải đem lại 30% GDP cho Việt Nam. 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số gồm: nông nghiệp, giáo dục, y tế, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng. |
Mời xem thêm:
Chuyển đổi số quốc gia: bắt đầu từ con người
Chuyển đổi số cần thích ứng với yêu cầu mới, không phải phong trào
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-peihgn-hnaod-ed-oc-ioht-al-91-divoc/058903/nv.semitnogiaseht.www