Đại biểu cho rằng cần phân cấp phê duyệt đánh giá tác động môi trường tới các địa phương - Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến sẽ biểu quyết thông qua tại kỳ họp lần này.
Cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thẩm quyền, thẩm định ĐTM có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến những hậu quả do thiên tai để lại ở khu vực miền Trung, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) nói sự cố về môi trường, những tác động của môi trường theo chiều hướng xấu, có nguyên nhân do khâu đánh giá tác động môi trường của một số dự án chưa được thấu đáo.
Theo đại biểu Hoa, nếu ĐTM giao cho bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo có thuận lợi trong thủ tục hành chính, nhưng hạn chế sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Vì vậy, đại biểu này cho rằng việc phê duyệt ĐTM cần giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện, vì sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) lại cho rằng việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nên giao cho bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
"Điều kiện vật chất, năng lực đánh giá, thẩm định tác động môi trường của đa số địa phương còn nhiều hạn chế. Các dự án thuộc chủ trương cấp bộ có quy mô lớn, địa phương khó thẩm định đạt chất lượng. Quy định thẩm quyền bộ, ngành tổ chức thẩm định để bảo đảm về thiết bị, nhân lực và có điều kiện là mời chuyên gia thẩm định" - đại biểu Trang lập luận.
Tranh luận với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lại cho rằng không phải địa phương nào cũng thiếu điều kiện thẩm định. Như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác, nhất là địa phương có kinh tế phát triển có đủ điều kiện thẩm định.
Chưa kể hiện đang thực hiện các đề án, phương án để nâng cao năng lực cho các địa phương, với tinh thần "bộ tinh, tỉnh mạnh", nâng tầm của tỉnh lên là hết sức phù hợp trong các luật.
"Bộ nên tập trung vào làm công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược, hoàn thiện chính sách. Tôi đọc một số văn bản, địa phương bí thì hỏi bộ, nhưng bộ hướng dẫn cứ theo quy định pháp luật mà làm. Vấn đề cần tăng cường các bộ chính là chỗ này chứ không phải đi thẩm tra, thẩm định, cấp giấy phép" - đại biểu nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, tới đây quản lý môi trường sẽ dựa trên tiêu chí chất thải ra môi trường và dự án đó tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Trường hợp dự án có chất thải quy mô lớn thì khoanh lại quản lý cụ thể, thực chất hơn; còn dự án không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn thì hậu kiểm thay vì kiểm soát tất cả. Trong đó, sẽ tháo gỡ thủ tục hành chính không thực chất với dự án thân thiện môi trường, đơn giản thủ tục và ít chi phí tuân thủ nhất.
Với các ý kiến còn khác nhau đến thẩm quyền phê duyệt ĐTM, ông Hà cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
TTO - Đã có 400 thủy điện nhỏ được loại ra khỏi quy hoạch trong thời gian qua, nên cần thận trọng với việc cấp phép thủy điện nhỏ, đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu liên quan đến an toàn, công nghệ...
Xem thêm: mth.66521125142010202-ob-ohc-ed-yah-hnit-ohc-oaig-nen-gnourt-iom-gnod-cat-aig-hnad/nv.ertiout