- Nhất trí cần thiết ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
- Bộ Công an tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra
Tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở), được thành lập tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở).
Lực lượng này được hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay để tham gia bảo vệ ANTT an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về ANTT tại địa bàn cơ sở, tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTT an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có CAND làm tham mưu, nòng cốt thực hiện. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về ANTT tại địa bàn cơ sở.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật |
7 nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở
Về bố cục, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 35 điều. Trong đó, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có 7 nhiệm vụ đó là: Thu thập, tổng hợp, đánh giá về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; tham gia phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tham gia thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn; tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; bắt người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù; tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ an ninh, trật tự.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt |
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Uỷ ban cơ bản nhất trí các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Chương II dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức, mức độ thực hiện, tránh làm thay nhiệm vụ của Công an xã và chính quyền địa phương; xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật; đồng thời, rà soát kỹ từng nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với vị trí của Lực lượng; thống nhất với quy định của các luật có liên quan; đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi.
Bộ Công an chịu trách nhiệm về lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ giảm khoảng 500.000 người trên toàn quốc, nhưng chưa phân tích cụ thể theo địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn. Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng việc bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là nội dung quan trọng, Luật cần phải có những quy định chặt chẽ về nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục; đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và đảm bảo tính khả thi.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Chương IV), một số số ý kiến nhất trí quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tuy nhiên, cần rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi.
Để phục vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nghiên cứu, cho ý kiến về một số nội dung: Sự cần thiết ban hành và thời điểm thông qua dự án Luật. Sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật. Vị trí, chức năng (Điều 3) và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Chương II dự thảo Luật); làm rõ nhiệm vụ tham gia, hỗ trợ Công an chính quy và nhiệm vụ độc lập của lực lượng. Tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Điều 5) và bố trí lực lượng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Điều 16). Bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (mục 2 Chương III) và bồi dưỡng, hỗ trợ; giải quyết một số trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ (mục 3 Chương III).
Xem thêm: /379616-os-oc-o-TTNA-ev-oab-gnoul-cul-auc-uv-meihn-7/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac