- Sử dụng tốt mạng xã hội sẽ phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả
- Chiến dịch truyền thông cho người chuyển giới nữ để phòng, chống HIV/AIDS
- Gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp – khó khăn cho việc phòng chống HIV
Ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Các vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là quan hệ tình dục đồng giới, trách nhiệm thông báo mình bị nhiễm HIV, quỹ phòng chống HIV...
Sửa Luật để phòng chống HIV/AIDS hiệu quả hơn
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể là, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, để đạt được mục tiêu này thông qua việc đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm thì cần điều chỉnh, tăng cường một số chính sách cần thiết và tăng hiệu lực, tính khả thi của các quy định trong Luật.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đọc tờ trình |
Đồng thời, khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật, cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm quyền của người nhiễm HIV; khuyến khích, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, mọi người dân, các tổ chức xã hội dân sự và người nhiễm HIV vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu tại các báo cáo thành phần của hồ sơ theo ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban nhưng cần tiếp tục nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các điều, khoản cụ thể cho phù hợp do dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.
Về việc bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV tại Điều 44 của Luật hiện hành, Chính phủ cho biết không ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hoặc ngân sách nhà nước đảm bảo cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ đề xuất ghép nội dung của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng luật về phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nguồn viện trợ quốc tế liên tục giảm thì việc huy động nguồn nội lực là rất quan trọng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV có thể là một cơ chế tài chính thu hút nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Có nên duy trì Quỹ hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, đó là có nên hay không duy trì Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Trong đó, nhiều đại biểu thì tán hành đề xuất của Chính phủ - tức là không nên duy trì quỹ này vì không hiệu quả, trong khi đó, một số đại biểu khác thì cho rằng cần duy trì quỹ này để hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
Đại biểu Triệu Thanh Dung |
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, thực tế, hoạt động của Quỹ còn gặp một số khó khăn bởi Quỹ được Bộ Y tế xác định là đơn vị sự nghiệp nhưng không nêu rõ loại hình, không có chỉ tiêu viên chức mà cán bộ đều kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian tham gia. Mặt khác Quỹ không có khả năng thu hút nguồn lực, năng lực làm việc chuyên trách và phạm vi, mức độ tài trợ hạn hẹp trong cộng đồng và xã hội.
Trong 12 năm từ 2008 đến nay, Quỹ chỉ huy động hơn 5,7 tỷ đồng, trung bình 480 triệu đồng một năm, thậm chí những năm gần đây có xu hướng giảm, như năm 2019 chỉ huy động được 11 triệu đồng. Kinh phí huy động thấp, các hoạt động chi cũng hạn chế nên số tiền chưa chi hiện còn đến 2,3 tỷ đồng. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, việc duy trì một Quỹ ngoài ngân sách để phục vụ hỗ trợ người nhiễm HIV như quy định của Luật hiện hành là không cần thiết.
Có cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) chỉ rõ, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nhiễm HIV và bảo đảm người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc hỗ trợ thanh toán, xét nghiệm, điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Các địa phương cũng hỗ trợ chi phí thuốc cho người HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm thông qua Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo. Hơn nữa, qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng các quỹ tài chính ngân sách trong và ngoài nước giai đoạn 2013 - 2018 thì Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV là không đáng kể.
Nhìn nhận từ góc độ khác, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) phân tích, đây là Quỹ có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng chống HIV/AIDS trong khi ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính đang gặp khó khăn. Không thể vì vấn đề quỹ đóng góp không đủ lớn mà từ bỏ, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế của Quỹ vừa qua, theo ĐB Trương Phi Hùng, là do không vận động, phát triển Quỹ một cách đúng đắn trong khi vẫn có những cá nhân, tổ chức sẵn lòng đóng góp hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV để giúp đỡ riêng đối tượng này vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.
Nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV/AIDS như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 4 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của người nhiễm HIV quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình theo quy định của pháp luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến.
Các đại biểu tại phiên thảo luận |
Về vấn đề này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “người có quan hệ tình dục với mình” có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác, người nhiễm HIV chỉ có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với người đã có quan hệ tình dục với họ trong trường hợp họ đang chuẩn bị quan hệ tình dục với người khác, tức chưa có quan hệ tình dục thì họ sẽ không có nghĩa vụ này.
“Do đó, nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tình trạng bỏ lọt hành vi cố ý lây truyền HIV từ người nhiễm HIV, theo tôi điểm b khoản 2 Điều 4 dự thảo luật cần được sửa đổi như sau: “thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người đang chuẩn bị hoặc đã có quan hệ tình dục với mình hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật” – đại biểu nêu ý kiến và đề nghị bổ sung vào điểm này quy định người nhiễm HIV/AIDS có nghĩa vụ khai báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính khi đi khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ y tế, nhất là khi phải phẫu thuật, thủ thuật và các dịch vụ thẩm mỹ cũng như dịch vụ khác có quy định ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, nếu việc chậm thông báo kết quả dương tính cho chồng/vợ, người sắp có quan hệ tình dục với mình có thể dẫn đến mất cơ hội ngăn chặn lây nhiễm HIV. Do đó, đại biểu đề nghị phải thông báo ngay kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một hành vi bị nghiêm cấm, đó là cố ý che giấu tình trạng nhiễm HIV của mình với những người có thể bị phơi nhiễm HIV do mình gây ra.
Ưu đãi cho doanh nghiệp nhận người có HIV làm việc
Cho rằng việc làm của người nhiễm HIV/AIDS là bài toán nan giải, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, các doanh nghiệp rất sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín khi có người nghiện vào làm việc. Vì vậy, người nhiễm HIV/AIDS đến xin việc làm tại các doanh nghiệp đều bị chi phối, từ chối.
“Theo quy định, người nhiễm HIV/AIDS được bí mật về tình trạng bệnh của mình, nhưng khi vào đào tạo nghề hay xin việc phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh về sức khỏe, tốt hay không tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm thì mới được tiếp nhận. Nếu được tiếp nhận vào làm việc nhưng lại không được tạo điều kiện cho họ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe” – đại biểu nêu ý kiến và cũng nhấn mạnh một trong những khó khăn nữa là thiếu người đứng rất kêu gọi đầu tư, tập trung, bố trí công việc cho người nhiễm HIV, đồng thời tìm kiếm đối tác kinh doanh đầu tư cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, đối với những người bán dâm hay người nghiện ma túy thì việc giải quyết việc làm cho họ càng nan giải. Nếu không có việc làm thì họ không thể có kinh phí mua bảo hiểm y tế, nguy cơ không được điều trị và chữa, nguy cơ lây nhiễm cho người khác lại rất cao.
“Chính vì vậy, luật sửa đổi, bổ sung lần này cần có những điều khoản chú trọng những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người có lao động nhiễm HIV. Các nhóm đồng đẳng có những cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác một cách dễ dàng để tham gia sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.