Tôi tìm việc làm thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại và các trang mạng xã hội có thể gặp những rủi ro nào? (Phương Thanh)
Luật sư tư vấn
Theo Điều 14 Bộ luật Lao động 2012, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tại Điều 7 Nghị định 52/2014/NĐ-CP cũng quy định, doanh nghiệp này phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: có trụ sở ổn định và có thời hạn từ 3 năm trở lên; có bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm; đã thực hiện ký quỹ là 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính.
Do vậy, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này mà chưa được cấp giấy phép hoạt động là vi phạm quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Theo đó, bạn không nên tìm việc thông qua các ứng dụng công nghệ không rõ ràng, không minh bạch trong hoạt động, không đủ điều kiện tuyển dụng, giới thiệu việc làm. Bởi lẽ, các ứng dụng công nghệ này không hợp pháp, không được quản lý, giám sát bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có thể "biến mất" bất cứ lúc nào sau khi đã lừa dối được người tìm việc.
Hình thức lừa dối có thể là, sau khi thu phí xét hồ sơ, phí đặt cọc, phí đồng phục (không có chứng từ, tài liệu ghi nhận); thu các giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Hộ khẩu)... thì app này biến mất. Khi đó, nạn nhân không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ngoài việc mất tiền, các thông tin cá nhân của bạn còn có thể bị sử dụng vào các mục đích phạm tội khác.
Bạn nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm đã được cấp giấy phép, hoặc liên hệ các trang tuyển dụng uy tín, để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hiện, tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp và tình trạng giấy phép hoạt động là không khó.
Thông tin tuyển dụng, đăng tuyển của các tổ chức hoặc các trang tuyển dụng được thành lập hợp pháp đều đã được kiểm duyệt và đều được đặt dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước. Do vậy, đảm bảo cho người tìm việc tiếp cận các thông tin, yêu cầu liên quan đến công việc một cách rõ ràng, chính xác, an toàn.
Nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến việc cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm, bạn có thể thỏa thuận, đàm phán hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu việc cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dịch vụ giới thiệu việc làm vi phạm quy định theo Điều 4 Nghị định 95/2013/NĐ-CP có thể bị phạt tiền 45-60 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả mà hành vi này gây ra cho người xin việc, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
Xem thêm: lmth.1967714-ppa-auq-mal-ceiv-mit-ihk-gnort-nac/ten.sserpxenv