Làng quê sau lũ không một tiếng gà, nhà vắng lặng, tôi xuống bếp ngó nghiêng. Chợt thấy như dáng mạ thoáng về. Xưa ở nơi góc bếp này, lắm khi đi mô đó về, mạ thường kêu tôi đến đưa đùm xôi: "Dì Mai gửi cho con đó. Thương dì quá, chẳng khá giả chi mà lúc mô cũng lo cho nhà mình. Thiệt là lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Mạ tôi khuất núi đã mười năm, mang theo hằng hà sa số ngôn ngữ mộc mạc quê mùa của mạ. Trong số đó, không hiểu sao tôi cứ hay nhớ đến tiếng "đùm". Không chỉ là đùm áo quần, đùm xôi, đùm thịt, đùm tôm cá...; tiếng "đùm" của mạ còn có ý nghĩa nhân văn hơn nhiều: lá lành đùm lá rách, đùm bọc và sẻ chia...
Câu "lá lành đùm lá rách" cha ông mình xưa dạy sống là phải biết bao dung, bao bọc chở che người khác mới nên người. Cái lá kia vô tri vô giác mà chúng còn biết che chở cho nhau huống chi con người.
Chữ "đùm" trái nghĩa hoàn toàn với sự vô cảm, nói cách khác, ở một thái cực đối nghịch hoàn toàn với sự vô cảm. Vô cảm có nghĩa là "không có cảm xúc, đó là trạng thái lạ lùng và trái tự nhiên, một trạng thái mà trong đó đường ranh giữa tàn bạo và nhân đạo, tốt và xấu bị mờ đi. Vô cảm trước sự đau khổ của đồng loại chính là điều làm cho con người trở nên bất nhân. Người dân Việt Nam không vậy, họ không chịu nổi khi thấy người bị nạn mà không giúp (giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha). Người Việt Nam không khước từ nhân tính. Bởi họ hiểu khi khước từ nhân tính, họ đã phản bội nhân tính của chính mình.
Những ngày lũ lụt dữ dội ở miền Trung, cộng đồng Facebook nhân hậu nhắc nhau không nên đưa những hình ảnh vô cảm, hoa hòe, khoe cảnh ăn uống, chơi bời... Cộng đồng rúng động trước những tiếng khóc xé lòng của người thân những công nhân tử nạn, những cán bộ chiến sĩ hi sinh; những tiếng kêu cứu trong đêm... Cộng đồng rưng rưng nao lòng trước sự ngây thơ của em bé 3 tuổi con của người hi sinh trên đường đi cứu hộ ở Rào Trăng 3, với tiếng khóc nấc bập bẹ: "Ba ơi, ba về chưa?"...
Nhưng cộng đồng dân tộc cũng biết cách để vượt qua nỗi đau. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào rất ấm áp vào những ngày qua. Các đoàn xe từ thiện từ trong Nam ngoài Bắc đổ về miền Trung. Những người đi cứu trợ nhắc nhau: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"... Hình như mỗi một người dân bây giờ đều mong muốn hóa thành chiếc lá nhân hậu ấy, muốn trở thành một sợi chỉ trong chiếc khăn nhiễu điều ấy...
Tôi tin nhiều người trong chúng ta đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh những nồi bánh chưng đỏ lửa ở Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Nội... Những ngọn lửa ấy là lửa hun đúc tình đồng bào. Tôi đã lặng người đi trước bức ảnh chụp ánh lửa bập bùng của những nồi bánh chưng ở thôn Minh Đức, Nghệ An. Cả làng nấu bánh chưng để sáng mai kịp tiếp tế cho những người dân vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị. Có lẽ đây là một trong những hình ảnh đẹp đẽ nhất, xúc động nhất trong những ngày lũ lụt miền Trung. Bây giờ, những chiếc bánh ấy không chỉ là bánh chưng, bánh tét, mà có thể gọi nó bằng một cái tên khác: "bánh đồng bào".
TTO - Hôm qua (23-10), ngay sau khi nước vừa rút, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các tỉnh miền Trung dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Xem thêm: mth.32274613242010202-ohn-gnouht-mud-uhc/nv.ertiout