Nước lũ trên cánh đồng giáp biên giới Campuchia ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang cho biết mực nước ngày 25-10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,7m dưới báo động I (BĐI) 3,5m là 0,8m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,56m dưới BĐI 3m là 0,44m.
Mực nước này được xem là đỉnh lũ của năm 2020. Dự báo ngày 26-10 mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu sẽ bắt đầu rút xuống còn 2,58m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,44m. Như vậy, mực nước sẽ rút dần khoảng 0,12m/ngày.
Mực nước cao nhất ngày tại các trạm khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông tiếp tục xuống trong 2 - 3 tới, sau đó lên chậm.
Mực nước thấp nhất tại các trạm khu vực đầu nguồn và vùng hạ lưu sông tiếp tục xuống theo triều. Riêng khu vực nội đồng tứ giác Long Xuyên, mực nước tại các trạm xuống trong 1 - 2 ngày đầu, sau đó biến đổi chậm.
Ông Ngô Văn Lật, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang, đan dớn để kịp bắt cá mưu sinh mùa lũ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất ngày ở mức BĐI đến trên BĐII 0.02m; trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới mực nước cao nhất ngày ở mức BĐI đến dưới BĐII 0.16m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: Cấp 1.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau khi cống Trà Sư xả lũ về vùng hạ lưu ĐBSCL thì dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế, TP Châu Đốc người dân đặt dớn rất nhiều. Dù năm 2020 lũ về trễ, lượng nước ít nhưng đa số bà con vẫn ngóng lũ từng ngày.
Nước lũ về muộn nhưng cũng mang theo nhiều đặc sản như rắn nước, ốc, cua - Ảnh: BỬU ĐẤU
Vừa ngồi đan dớn trước nhà, ông Ngô Văn Lật, xã Vĩnh Tế, phấn khởi cho biết dù lũ năm nay về trễ và nước ít nhưng khi thấy phía trước nhà có nước lũ ngập đồng cũng vui lắm.
Gia đình ông có 8.000m2 đất ruộng nên mùa lũ ai cũng trông có nước về sớm để đặt dớn kiếm cá ăn qua ngày.
"Mấy bữa nay thấy nước lũ về bà con ai cũng vui lắm nhưng trễ quá. Chỉ hi vọng nước lũ rút từ từ để tụi tui còn đặt dớn kiếm cá ăn" - ông Lật phấn khởi nói.
Người dân đặt dớn khắp cả cánh đồng giáp biên giới ở TP Châu Đốc, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
TTO - Ngày 19-10, tỉnh An Giang xả lũ cống Trà Sư để đưa phù sa về vùng hạ lưu, và giúp tháo chua rửa phèn cho đồng ruộng vùng ĐBSCL. Đây là năm đầu tiên vận hành cống này sau khi xây dựng thay thế đập trà Trà Sư trước đó.
Xem thêm: mth.17942215152010202-iot-yagn-cac-gnort-mahc-gnoux-es-ul-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod/nv.ertiout