Dưới đây là phân tích pháp lý của luật sư Nguyễn Hùng, Đoàn luật sư Hà Nội.
Văn hoá người Việt "lá lành đùm lá rách", "tương thân, tương ái", "đoàn kết đại đoàn kết" được minh chứng bởi những tấm lòng của cá nhân, tập thể đang hướng về miền Trung lúc này. Ngoài tấm lòng của những người có tấm lòng nhân hậu, đây còn là quyền trợ giúp, giúp đỡ đã được pháp luật quy định.
Khoản 1 điều 11 Luật Phòng, Chống thiên tai 2013 cho phép tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện cho công tác phòng, chống thiên tai dưới các hình thức: đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia quyên góp theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai.
Khoản 1 điều 2 Nghị định 64/2008 ra ngày 14/5/2008 quy định về nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện nêu: Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp và tổ chức vận động đóng góp nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng. Việc này giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy dưới góc độ pháp lý, quyền giúp đỡ, cứu trợ là của cá nhân, nhà hảo tâm và các tổ chức đã được pháp luật quy định rõ ràng.
Có được góp tiền cho người khác đi cứu trợ?
Những ngày qua, một số ý kiến cho rằng việc cá nhân tổ chức quyên góp và nhận tiền, vật phẩm để cứu trợ là trái với điều 5 của Nghị định 64/2008 khi ngoài "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép...", không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Việc này khiến nhiều cá nhân, tổ chức với tấm lòng hảo tâm đã e dè, lo ngại.
Tôi thấy rằng Nghị định 64 chỉ điều chỉnh việc tổ chức, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp của các cá nhân trong và ngoài nước trong các quỹ được nhà nước quy định. Còn cá nhân uỷ thác việc gửi tiền, vật phẩm cho người khác đi làm từ thiện thì không thể áp dụng.
Bởi ngay khoản 1, điều 2 của nghị định này về nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện đã nêu: "Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo".
Điều đó thể hiện nhà nước luôn khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện đóng góp, vận động để cứu trợ người dân.
Bên cạnh đó, khoản 2 điều 33 Luật Phòng, Chống thiên tai quy định: "Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn".
Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính, khi vận dụng sẽ áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, Nghị định 64 có thể không được áp dụng trong trường hợp này.
Hiện nay, ngoài của ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp và trực tiếp trao quà và tiền từ thiện thì còn rất nhiều người khác thực hiện. Ngày ngày, nhiều phần quà, phần tiền được đưa đến tay đồng bào vùng lũ. Điều này cho thấy tính cấp thiết của của việc cứu trợ.
Bên cạnh đó, ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng nghị định mới, thay thế nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Việc sửa đổi này là sự cập nhật, là động thái tích cực của chính phủ để người dân, cá nhân và tổ chức cùng tham gia cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai.
Xem thêm: lmth.6061814-ort-uuc-aig-maht-nahn-ac-ihk-yl-pahp-uc-nac/ten.sserpxenv