Trung tâm triển lãm, hội nghị bước vào thời kỳ 'ngóng' khách
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Nếu như hồi trước dịch, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, triển lãm rất khó khăn để tìm chỗ tổ chức sự kiện, đặc biệt là sự kiện lớn ở trung tâm kinh tế lớn như TPHCM vì hầu hết các trung tâm triển lãm đều kín chỗ thì nay, tình thế đã đảo ngược.
Các trung tâm tổ chức sự kiện hiện đang "khát" khách hàng và cho biết chỉ đến khi các sự kiện quốc tế được tổ chức trở lại thì mới bớt khó khăn.
Triển lãm tại Hội chợ Du lịch Quốc tế tại TPHCM, sự kiện được ngành du lịch TPHCM tổ chức hàng năm tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn nhưng năm nay không thể tổ chức vì Covid-19. Ảnh: Đào Loan |
Cửa quốc tế đóng, khách cũng đìu hiu
"Rất lâu rồi chúng tôi mới có sự kiện", bà Thượng Mỹ An, Tổng giám đốc Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn nói về sự kiện Hội chợ Vietbuild diễn ra vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này.
Mỗi năm, trung tâm có 3 kỳ Hội chợ Vietbuild. Cứ mỗi kỳ, hàng ngàn gian hàng triển lãm được bố trí cả ở khu vực trong nhà lẫn ngoài trời nhưng trong lần tổ chức vừa qua, số lượng gian hàng giảm khoảng một nữa. Kỳ hội chợ kế tiếp tuy dự định là sẽ tổ chức vào tháng 12 tới nhưng vẫn chưa chắc chắn vì còn phải chờ tình hình dịch bệnh và thị trường.
"Quy mô hội chợ nhỏ hơn nhiều vì thiếu các công ty nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp trong nước cũng ít hơn trước", bà nói.
Theo bà, cùng với sự kiện Vietbuild, trung tâm hiện chỉ mới nhận được đề nghị cho một sự kiện khác vào cuối năm nay. "Chúng tôi không biết đến bao giờ mới thực sự có khách trở lại. Khi dịch mới bùng phát, các sự kiện của nửa đầu năm nay được dời đến cuối năm nhưng lại tiếp tục dời do đợt bùng phát dịch lần 2 hồi cuối tháng 7 và cứ dời tiếp", bà nói.
Hồi trước dịch, những trung tâm kinh tế lớn như TPHCM thường xuyên kín chỗ tổ chức sự kiện, đặc biệt là những sự kiện lớn. Như ở trung tâm này, ngay từ năm 2109, nhiều công ty tổ chức sự kiện thậm chí đã đăng ký lịch cho những năm 2020, 2021 và 2022. Một vài nơi khác như Trung tâm Triển lãm Phú Thọ, Nhà thi đấu Nguyễn Du trước đây cũng tấp nập sự kiện nhưng hiện tại vắng vẻ.
Tình hình tại một số khách sạn cao cấp, nơi có thể cung cấp phòng họp có sức chứa khá lớn cho hội nghị, hội thảo cùng những triển lãm có quy mô nhỏ tuy có khá hơn một chút nhưng chưa lạc quan.
"Chúng tôi bắt đầu có các sự kiện hội nghị từ đầu tháng 10. Trong tháng này, số lượng sự kiện đã bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với trước", nguồn tin từ một khách sạn 5 sao tại trung tâm TPHCM nói.
Bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc khách sạn 5 sao Grand Saigon cũng cho biết, tuy một số cuộc hội họp đã được tổ chức trở lại nhưng số lượng vẫn còn ít và có quy mô nhỏ. Hiện tại, mảng dịch vụ này chưa thực sự khởi sắc.
Một sự kiện có quy mô nhỏ diễn ra tại Khách sạn 5 sao Rex vào hôm thứ Sáu (23-10). Ảnh: Đào Loan |
Thách thức lớn sau dịch
Nhiều doanh nhân nhận định, mảng dịch vụ triển lãm, hội chợ và hội nghị sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn sau dịch. Dư chấn từ tác động của Covid-19 với ngành này sẽ kéo dài hơn ngành du lịch vì doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho một sự kiện. Với những trung tâm triển lãm, hội nghị lớn, chỉ khi nào các sự kiện thương mại, giao thương quốc tế được nối lại thì tình hình hoạt động mới có thể khởi sắc.
"Như hiện tại, tuy dịch đã tạm yên nhưng nhiều đơn vị tổ chức vẫn chưa dám sắp lịch sự kiện vì lo ngại dịch có thể diễn tiến khác làm thay đổi mọi chuyện. Mảng này sẽ còn khó khăn trong thời gian dài", bà Mỹ An nói.
Khách hàng cắt giảm chi tiêu cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành này. Nguồn tin từ nhiều khách sạn cho biết, phần lớn các sự kiện được đặt chỗ có quy mô nhỏ hơn so với hồi trước dịch. Khách hàng không những cắt giảm số lượng người tham dự mà còn cắt giảm chi phí cho dịch vụ ẩm thực cùng một số dịch vụ đi kèm khác.
Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ lại phải chịu nhiều chi phí hơn. Trong đó, có khoản chi cho vệ sinh phòng dịch, cho trang thiết bị phục vụ các hội nghị trực tuyến vì hiện nhiều khách hàng muốn kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến nhưng không muốn chi thêm cho dịch vụ phụ trội.
Một khó khăn khác, được nhận định sẽ một thách thức lớn cho ngành dịch vụ triển lãm, hội chợ... đó là xu hướng tổ chức sự kiện trực tuyến. Nếu như hồi đầu dịch, nhiều người chỉ mới quen với việc tham gia hội họp, hội nghị trực tuyến thì nay, các chương trình triển lãm, hội chợ cũng được tổ chức trên không gian mạng thay vì tại một địa điểm thực tế.
Xu hướng này diễn ra không chỉ ở thị trường quốc tế mà còn ở thị trường nội địa. Chẳng hạn, vào ngày 2-11 tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội chợ trực tuyến cho những người bán là khách sạn, khu vui chơi giải trí, cửa hàng lưu niệm, điểm tham quan... gặp gỡ với người mua là công ty lữ hành, nhà điều hành tour... để bàn chuyện làm ăn.
Vài ngày trước, hội chợ du lịch quốc tế nổi tiếng là ITB Asia 2020 cũng được tổ chức trực tuyến. Nhiều doanh nhân nhận định, xu hướng trực tuyến có thể sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau dịch, đòi hỏi các trung tâm tổ chức sự kiện phải thích ứng rất nhanh thì mới có thể bắt kịp thị trường.
Mời đọc thêm:
Tour cho du khách quốc tế đến Việt Nam đã hủy tới quí 1-2021
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch: Vẫn đang chờ
Khánh Hòa: Doanh thu du lịch cả năm nay chưa bằng một quí của năm 2019
TPHCM: hàng trăm doanh nghiệp đăng ký thực thi các tiêu chí an toàn cho du khách
Thủ tướng chỉ đạo chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Người Nhật Bản, Việt Nam đi làm ăn ngắn ngày không phải cách ly tập trung
Xem thêm: lmth.-hcahk-gnogn-yk-ioht-oav-coub-ihgn-ioh-mal-neirt-mat-gnurt/478903/nv.semitnogiaseht.www