Kỳ họp lần thứ 21 của HĐND TP.HCM vào ngày 12-10, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 - Ảnh: TỰ TRUNG
Mô hình chính quyền đô thị đang trình sẽ tạo tiền đề, điều kiện để chúng ta làm các bước tiếp theo.
TS TRẦN DU LỊCH
TS TRẦN DU LỊCH
TS TRẦN DU LỊCH - nguyên phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - trao đổi về Đề án chính quyền đô thị TP.HCM đang được Chính phủ trình để Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Mô hình cũ - "cái áo" quá chật
* So với mô hình chính quyền đô thị đã từng thí điểm, đề án lần này có gì khác, thưa ông?
- Nội dung quan trọng của đề án là bỏ HĐND cấp quận và phường đã được thí điểm tại TP.HCM giai đoạn 2009 - 2016, khi đó đã tạo ra hệ thống cơ quan hành chính xuyên suốt, thống nhất, thuận lợi từ TP xuống quận, phường.
Chỉ khác một chút, lần này đề án còn có nội dung tổ chức mô hình đô thị trực thuộc TP gọi là ‘‘Thành phố trong thành phố’’. Trong đó hướng tới việc sáp nhập 3 quận Thủ Đức, 9 và 2 thành TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.
* Ông đánh giá nếu mô hình được áp dụng sẽ đem lại những lợi ích gì cho bộ máy quản lý?
- Chủ trương tổ chức thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường đã thí điểm ở 10 tỉnh, thành và được đánh giá mang lại hiệu quả. Tại TP.HCM nếu thực hiện mô hình này sẽ hướng tới mục tiêu tổ chức một mô hình quản lý đô thị phù hợp với đặc điểm của một siêu đô thị. Mô hình quản lý cũ hiện là "cái áo" quá chật.
Mặt khác, tạo điều kiện tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền điện tử một cách liên thông. Thực hiện quản lý nền hoạt động quản trị số hóa các hoạt động.
Quan trọng hơn, mô hình này làm cơ sở để tiến hành việc phân cấp, phân quyền cho cơ sở theo hướng tinh gọn, tránh một thủ tục đi qua nhiều nơi. Việc gì cơ sở làm tốt hơn cấp trên nên phân quyền, phân cấp cho cấp đó làm. Cấp trên chỉ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát.
* Có ý kiến băn khoăn giữa việc nên thực hiện luôn hay chỉ lại thí điểm, quan điểm của ông như thế nào?
- TP.HCM trước đây đã thí điểm rồi nên theo tôi cần triển khai ngay mà không mất thời gian thí điểm. Nếu được thông qua cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp bộ máy, để đến tháng 7-2021 có thể thực hiện được mô hình này. Chưa nói nếu thí điểm sẽ tạo sự không an tâm cho cán bộ, công chức.
Nền công vụ tốt dân được hưởng
* Người dân, doanh nghiệp sẽ được gì khi mô hình chính quyền đô thị được áp dụng?
- Người dân được hưởng lợi lớn nhất nếu làm tốt mô hình chính quyền đô thị bởi xét cho cùng mô hình nhằm xây dựng một nền công vụ phục vụ, hướng tới tổ chức tinh gọn. Trong nền hành chính có 3 bộ phận gồm: thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người.
Lâu nay cải cách hành chính chúng ta làm ở khâu thể chế hành chính, bây giờ đụng đến tổ chức lại bộ máy gắn với đó là bố trí lại con người phù hợp. Khi một nền hành chính vận hành tốt, chính dịch vụ hành chính đó, công vụ đó phục vụ cho người dân tốt hơn. Nền công vụ phục vụ cho dân, nếu nền công vụ đó tốt - dân được hưởng, nếu nền công vụ đó kém - dân sẽ thiệt.
* Ông nói việc thực hiện đề án mô hình chính quyền đô thị mới chỉ là tiền đề để TP nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình quản lý phù hợp. Mô hình này là thế nào, thưa ông?
- Nói đến tổ chức, phát huy vai trò bộ máy phải bàn tiếp vấn đề thể chế, ở đây là đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Sắp tới tổng kết nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo tôi, khi hết thí điểm, phải tiếp tục nghiên cứu để chế định hóa một số vấn đề phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước cho chính quyền TP. Từ đó, chính quyền TP sẽ phân quyền cho TP trực thuộc và các tổ chức bên dưới để tiến tới nâng trách nhiệm của các sở, người quản lý đầu ngành. Khi đó, giảm hội họp, có địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng để người dân biết rằng nếu việc đó làm không tốt, có người phải chịu trách nhiệm.
Đồ họa: TUẤN ANH
Lập các tổ đại biểu HĐND TP ở quận để giám sát
* Vẫn có những băn khoăn nếu bỏ HĐND cấp quận và phường, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động chính quyền cấp quận, phường?
- Đọc kỹ đề án sẽ thấy trong đó đã cân nhắc và đưa ra giải pháp để giải quyết băn khoăn này. Trong đó chú trọng nâng cao vai trò giám sát của đại biểu HĐND TP. Thực sự nếu để đại biểu HĐND cấp trên giám sát cấp dưới sẽ có "uy" và tốt hơn.
Ngoài ra phải phát huy vai trò giám sát đặc biệt qua các phương tiện truyền thông. Nếu chỉ một đại biểu HĐND, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng không thể làm tốt vai trò giám sát nếu không dựa vào dân, báo chí.
* Bỏ HĐND cấp quận, phường, liệu đại biểu HĐND cấp TP có đảm bảo làm tốt vai trò giám sát và đại diện hiệu quả cho tiếng nói người dân từng địa bàn?
- Đúng là nếu như chúng ta vẫn làm như cũ khi nhóm đại biểu HĐND phụ trách địa bàn quận sẽ chỉ tiếp xúc với dân một vài cuộc trong năm sẽ khó thực hiện vai trò giám sát, đại diện cho người dân khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị.
Để bảo đảm quyền giám sát và thực hiện nguyện vọng người dân thì phải thay đổi, tăng cường vai trò của HĐND cấp TP. Bởi vậy để đảm bảo vai trò giám sát, đại diện tốt cho tiếng nói người dân, HĐND cấp TP nên xây dựng các tổ đại biểu ở cấp quận và phải tăng cường số đại biểu chuyên trách.
Đây là nơi tiếp nhận tất cả các ý kiến từ phương tiện truyền thông, người dân để thực hiện quyền của đại biểu trong giám sát hoặc yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải trình các vấn đề liên quan. Nếu cơ quan được yêu cầu không thực hiện sẽ đưa lên HĐND cấp TP để truy trách nhiệm. Đây là khâu quan trọng để bảo đảm quyền làm chủ người dân thông qua cơ quan dân cử.
Thí điểm bỏ HĐND quận, phường đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, giai đoạn 2009 - 2016, TP.HCM là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo nghị quyết của Quốc hội. Việc thí điểm phù hợp với điều kiện thực tế và được nhân dân TP đồng tình.
Khi thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở.
Ngoài ra, thực hiện tinh giản biên chế, tiết kiệm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp các đại biểu HĐND cấp quận, phường. Bộ máy chính quyền TP gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
* PGS.TS Võ Trí Hảo (trưởng khoa luật Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu):
Mở đường để thực hiện trên toàn quốc
Việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị bỏ HĐND quận, phường tại TP.HCM sẽ mở đường tiến tới bỏ tổ chức HĐND quận, phường ở toàn quốc. Thực tế lâu nay cho thấy vai trò giám sát, chất vấn các hoạt động chính quyền của HĐND quận, phường không hiệu quả.
Nếu như các cuộc họp của chính quyền TP được báo chí theo dõi và đưa tin nhiều thì hầu như các cuộc họp cấp quận, phường lại ít được đề cập. Do vậy vai trò giám sát của HĐND hai cấp này cũng rất hạn chế. Có rất ít vấn đề ở quận, phường được giải quyết với tư cách giám sát, chất vấn bởi HĐND các cấp này. Điều này đã được Quốc hội nhận ra và ban hành nghị quyết cho thí điểm ở 10 tỉnh, thành.
TTO - Chính phủ vừa thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.