Đều đặn 7 giờ sáng từ thứ Hai đến thứ Bảy, một góc phòng làm việc ở BV Quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân, TP.HCM) lại xuất hiện bóng dáng nhỏ thó, mái đầu bạc phơ chăm chú với từng dòng hồ sơ, ân cần hỏi bệnh sử của các bệnh nhân. Bà là TS - bác sĩ (BS) Phan Thị Hồ Hải, cố vấn y khoa của BV. Bà là “người gác cửa” cho các ca phẫu thuật khi trực tiếp thăm khám tiền mê và ký quyết định mổ cho bệnh nhân.
Thăng trầm con đường học y
“Không làm thì buồn lắm, mỗi ngày đến gặp bệnh nhân, giúp họ bớt sợ hãi, giải thích tường tận những gì họ thắc mắc, tôi cảm thấy từng phút giây mình sống đều có ý nghĩa” - vị BS già chia sẻ niềm vui mỗi ngày của mình.
BS Hải hóm hỉnh kể mới đây, khi tham dự buổi họp mặt cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều sinh viên cũ ôm chầm lấy bà, vui mừng khi cô giáo vẫn còn khỏe mạnh và càng bất ngờ hơn khi bà vẫn còn làm việc. Cuộc đời bà trải qua nhiều thăng trầm, bà nói niềm hạnh phúc cuối đời vẫn là được gắn bó với bệnh nhân và công việc của một BS chuyên khoa gây mê hồi sức.
Tuổi đã cao, nhiều chuyện đã quên nhưng trong tâm trí bà ký ức về các thầy Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Tôn Đức Lan vẫn còn sống động. Bà kể thầy Tôn Thất Tùng và thầy Tôn Đức Lan là cặp bài trùng phẫu thuật viên - BS gây mê hồi sức, thường xuyên biểu diễn những ca mổ khó ở nước ngoài và trong nước.
Hồi ức về những năm tháng học y nhọc nhằn của bà hiện ra như một cuốn phim quay chậm. Sinh ra ở Biển Hồ (Campuchia) khi cha mẹ làm việc ở đây, bà được đặt tên Hồ Hải để kỷ niệm nơi mình sinh ra. Năm bà gần hai tuổi, mẹ bà ốm nặng, cha bà đưa cả gia đình về Hà Nội chữa trị nhưng không qua khỏi. Bà ở lại Hà Nội đến năm 15 tuổi thì vào Sài Gòn, tham gia phong trào chống bắt lính trong học sinh, sinh viên năm 1954 nên bị chính quyền đưa vào tầm ngắm. Để tránh truy lùng, bà ra Hà Nội, sau đó tham gia vào chương trình đào tạo 40 nha tá của Bộ Y tế rồi làm ở BV Việt Đức.
Khi đã thành thục chuyên môn là nha tá, bà lại đứng trước thử thách đào tạo nguồn BS gây mê hồi sức khi đã có hai con nhỏ, chồng đi B biền biệt từ năm 1964. Bà nhớ mãi lời của thầy Tôn Đức Lan: “Nếu ở mãi một khoa thì chị cũng chỉ giúp được quanh quẩn những bệnh nhân ở khoa đó, còn một BS gây mê hồi sức là tham gia vào tất cả khoa vì khoa nào cũng có bệnh nhân”.
Làm ở BV Việt Đức một thời gian, Chính phủ có chủ trương đào tạo cán bộ tiếp quản miền Nam nên bà được cử đi học ở Liên Xô vào năm 1969, giao phó cho trường quân đội nuôi hai con thơ chưa đầy 10 tuổi. Bốn năm sau, bà về nước, tiếp tục làm ở BV Việt Đức. Đến năm 1975, bà được cử vào BV Chợ Rẫy làm việc và kiêm nhiệm giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Từ năm 1976, bà giữ chức trưởng Khoa gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy kiêm nhiệm chủ nhiệm bộ môn gây mê hồi sức Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993. Từ năm 1994, bà tiếp tục được mời làm trưởng Khoa gây mê hồi sức, BV ĐH Y Dược TP.HCM Cơ sở 1 cho đến năm 2000. Hiện ngoài công việc ở BV Quốc tế Minh Anh từ năm 2010 tới nay, bà vẫn được mời chấm luận văn, luận án cho các học viên ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
TS-BS Phan Thị Hồ Hải đang khám tiền mê cho một bệnh nhân. Ảnh: HL
Người thầm lặng đằng sau ca mổ
Theo BS Hải, do làm việc với tất cả khoa, BS gây mê hồi sức phải trau dồi nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau, phải luôn trăn trở trước sinh mạng của bệnh nhân để tìm ra những phương pháp giảm thiểu tai biến, giữ an toàn cho bệnh nhân.
Những năm thập niên 1980, đất nước còn thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men, những ca u mạch máu não, u tai mũi họng, các phẫu thuật viên rất nhát tay vì cuộc mổ lâu, nguy cơ chảy máu khó cầm rất lớn. Cạnh đó, thuốc hạ huyết áp Arfonade đang xài rất dễ xảy ra biến chứng và khó theo dõi. Nếu bệnh nhân cục cựa, nhúc nhích có thể khiến phẫu thuật viên phạm vào mạch máu.
Cùng thời gian này, nhờ được chính phủ Nhật đầu tư, BV Chợ Rẫy đón tiếp nhiều đoàn y, BS Việt kiều tới tham quan. Có lần đoàn Việt kiều Pháp vào phòng mổ chứng kiến một ca mổ tim bẩm sinh còn tồn tại ống động mạch cho một bệnh nhân nữ trên 30 tuổi, khi êkíp đang thám sát khúc động mạch bệnh lý thì động mạch bất ngờ vỡ, máu chảy ồ ạt. BS Hải lúc này phải huy động đồng nghiệp lao vào bơm máu, truyền dịch, duy trì huyết áp cho phẫu thuật viên kẹp mạch máu lại.
Chứng kiến cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của bệnh nhân, nhiều người trong đoàn mặt tái xanh. Một BS trong đoàn sau đó đã trao đổi với BS Hải về một loại thuốc hạ huyết áp đang được sử dụng ở Pháp và hứa sẽ gửi cho bà. Khi nhận mấy chục lọ thuốc này, bà mạnh dạn áp dụng ở BV. Loại thuốc nitroprussiate sau này là cứu cánh cho các BS gây mê và phẫu thuật viên trong các ca phẫu thuật thần kinh sọ não, tim mạch…
“Song kiếm hợp bích” cứu được nhiều ca ngoạn mục trông thấy nhưng giữa BS gây mê hồi sức và phẫu thuật viên đôi khi cũng xảy ra tranh cãi. BS Hải dí dỏm nói nghề của mình phải “gây” rồi mới “mê” nhưng tranh luận xong sẽ đi đến thống nhất để tiến hành công việc. Bà bảo BS gây mê hồi sức là người thầm lặng đứng đằng sau sự thành công của cuộc mổ. Bệnh nhân thường biết đến phẫu thuật viên, không mấy ai biết hoặc nhớ đến BS gây mê hồi sức, có khi nghe nói đến gây mê còn sợ. Tuy nhiên, BS Hải chưa bao giờ buồn vì điều này, đây cũng chính là những lời dặn dò cho những học trò của bà khi chọn nghiệp gây mê hồi sức để theo đuổi.
Tấm gương không ngừng học Tôi có cơ hội học một năm lớp sơ bộ về gây mê hồi sức khi cô Hải đang là trưởng Khoa gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy. Cô rất say mê và tự hào về ngành gây mê hồi sức, luôn căn dặn học trò về vai trò của gây mê hồi sức đối với thành công của một ca mổ. Cô luôn nhắc các BS phải chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau mổ chứ không chỉ đơn giản trong phòng mổ. Cô Hải là tấm gương sáng về sự kiên trì và cầu tiến trong học tập, khi biết có buổi đào tạo liên tục cập nhật kiến thức mới, cô đều tham gia từ đầu đến cuối. Từng đào tạo bao thế hệ sinh viên ngành gây mê hồi sức, giờ đây cô nhẫn nại nghe tôi và các giảng viên trẻ trình bày các tiến bộ mới của chuyên ngành khiến tôi rất kính phục. PGS-TS NGUYỄN THỊ THANH, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức TP.HCM |