Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 154 và Quyết định 32 nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) dễ tiếp cận gói vay ưu đãi 16.000 tỉ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ).
"Dễ thở" hơn
Theo đó, Nghị quyết 154 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 32 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 15 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với các điều kiện đã bớt khắt khe hơn trước.
Cụ thể, đối với DN có doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ được vay không tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho NLĐ. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 12-2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng (NH) Chính sách Xã hội.
DN sẽ trực tiếp lập hồ sơ vay, tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn, gửi NH Chính sách Xã hội để hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Đặc biệt, Quyết định 32 cũng nêu rõ trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay của người sử dụng lao động, NH Chính sách Xã hội sẽ phê duyệt cho vay, nếu từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số DN trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tỏ ra phấn khởi vì những quy định mới theo hướng hạ điều kiện sẽ giúp họ dễ tiếp cận gói vay ưu đãi này. Những tiêu chí trước đây như DN gặp khó về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương hoặc đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ… được sửa đổi phù hợp thực tế hơn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó bao gồm cả gói vay 0% lãi suất để DN trả lương cho NLĐ; gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cùng với kiến nghị giảm thuế, phí… "Chúng tôi đang tìm hiểu quy định mới để giúp DN sớm tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng và cả gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho NLĐ mất việc làm do dịch bệnh. Ngành du lịch đang khôi phục lại thị trường nội địa nhưng thực tế DN còn gặp rất nhiều khó khăn và số nhân viên phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên cũng không ít" - lãnh đạo một DN du lịch tại TP HCM nói.
Trước đây, khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều DN muốn tiếp cận gói 16.000 tỉ đồng hay gói 62.000 tỉ đồng nhưng điều kiện quá khắt khe, thủ tục phức tạp nên hầu hết chưa tiếp cận được. Đến hết tháng 9 mới chỉ có 1 DN được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn nhưng sau đó DN này đã tự cân đối nguồn trả lương cho NLĐ nên không còn nhu cầu nữa.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân DN chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho NLĐ là do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các DN cho NLĐ nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục 1 tháng nên không đủ điều kiện được phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May mặc Dony (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giảm lãi suất cho vay
Bên cạnh việc Chính phủ tháo gỡ điều kiện để DN tiếp cận các gói hỗ trợ, nhiều NH thương mại cũng đang đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay nhằm giúp DN sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị cho mùa làm ăn cuối năm. Đặc biệt, các NH đang tích cực triển khai những biện pháp hỗ trợ người dân, DN các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả do mưa lũ theo yêu cầu mới đây của NH Nhà nước.
Cụ thể, đại diện NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết vừa giảm thêm lãi suất cho các khoản vay sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng cá nhân, DN vừa và nhỏ. Theo đó, mức lãi vay với DN vừa và nhỏ chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho khoản giải ngân mới từ giữa tháng 10; khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh lãi suất cũng chỉ từ 6,5%/năm.
NH TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa thông báo giảm lãi vay lần thứ 4 kể từ đầu năm, với mức giảm 0,3 điểm % lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định, đưa lãi vay ngắn hạn tối đa về 4,5%/năm; lãi vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm…
Chiều 25-10, lãnh đạo NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết thực hiện yêu cầu của NH Nhà nước về hỗ trợ khách hàng các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ, dự kiến trong tuần tới, NH sẽ đưa ra một số gói tín dụng ưu đãi cụ thể, mức lãi suất giảm tới 2 điểm % so với biểu lãi suất thông thường. "Chúng tôi cũng xem xét việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng tùy tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của khách hàng. Các gói tín dụng ưu đãi và chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai đồng thời với Thông tư 01 của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" - vị lãnh đạo Nam A Bank thông tin.
Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngay sau văn bản của NH Nhà nước, Sacombank đã lập tức yêu cầu chi nhánh, phòng giao dịch thuộc các tỉnh, thành miền Trung bị thiệt hại do bão lũ cập nhật tình hình và báo cáo mức độ thiệt hại của khách hàng. Từ đó, NH sẽ có chính sách xem xét hỗ trợ cụ thể, phù hợp nhằm sớm giúp khách hàng vượt qua khó khăn.
Xem thêm: mth.87265750252010202-noh-nac-peit-ed-ad-gnod-it-00061-iog/et-hnik/nv.moc.dln