Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 26-10, bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.
Theo đó, năm 2020, ngành công an đã điều tra, làm rõ khoảng 40.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ 85,69%; triệt phá khoảng 3.000 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận được khẩn trương điều tra làm rõ.
Toàn quốc đã xảy ra hơn 46.700 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, cờ bạc...
Tội phạm "tín dụng đen" tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...
Cũng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
Ngành công an đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi.
Qua công tác đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…).
Ngoài ra, phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...
Báo cáo thẩm tra sau đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý rằng dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lực lượng thi hành nhiệm vụ tăng 260%.
Mặt khác, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà còn diễn ra
Cùng ngày 26-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Theo đó, năm 2020, ngành đã triển khai khoảng 6.800 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và khoảng 210.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17%).
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 44.582 tỉ đồng và trên 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2019).
Theo báo cáo, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi "tham nhũng vặt" ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương.
Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.
TTO - Các con số thống kê về kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho thấy một số lĩnh vực đang rất 'nóng', nổi cộm.
Xem thêm: mth.2553031162010202-gnat-mad-peih-iougn-teig-mahp-iot-0202-man/nv.ertiout