Bên trong một cửa hàng Hermés ở Thượng Hải - Ảnh: AFP
Tuần trước, Trung Quốc gây kinh ngạc khi công bố dữ liệu xác nhận họ là nền kinh tế lớn đầu tiên bắt đầu tăng trưởng trở lại sau cú sốc COVID-19 nửa đầu năm 2020. Đây là mô hình tăng trưởng chữ V - xuống đáy rồi vọt lên lại - nhiều quốc gia đang thèm khát.
Không còn ổ dịch COVID-19 nào đáng kể, người dân Trung Quốc có thể quay lại cuộc sống gần như bình thường trong văn phòng, trường học, cửa hàng, nhà hàng... song song đó chính phủ thúc đẩy các khoản đầu tư mới trong hạ tầng và sản xuất.
Dữ liệu của Bắc Kinh ghi nhận tăng trưởng đạt tốc độ 4,9% từ tháng 7 - 9, thấp hơn một chút so với mong đợi của các nhà kinh tế nhưng vẫn là một thành tựu đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo cần thận trọng khi tiếp cận thống kê của Trung Quốc, bên cạnh thực tế là tăng trưởng hiện nay của họ chủ yếu dựa vào đầu tư chứ không phải tiêu dùng, nên sự hồi sinh này thiếu sức mạnh và bền bỉ về lâu dài.
Nick Marro, nhà phân tích thuộc công ty Economist Intelligence Unit (Anh), nhận xét tuy không có bằng chứng trực tiếp cho thấy Trung Quốc làm giả số liệu, một số dữ liệu dường như đã bị xáo trộn nhằm mục đích thổi tốc độ tăng trưởng quý 3.
"Cục Thống kê Trung Quốc không công khai cách họ tính toán, do đó chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật đầy đủ. Nhưng có thể thấy lấp ló bằng chứng của sự chỉnh sửa có mục đích nhằm nâng con số tăng trưởng.
Chẳng hạn dữ liệu của tháng 9 được nâng bằng cách âm thầm thay đổi dữ liệu cùng kỳ năm 2019, vài con số tháng 9-2019 đã được đẩy qua tháng 10 cùng năm để hạ mức so sánh. Xáo trộn này khiến tăng trưởng tháng 9-2020 đã bị thổi một cách giả tạo", ông Marro phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, khác biệt trên có thể không lớn, nhưng điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không mạnh như họ cố thể hiện.
"Hệ quả lớn hơn là tổng quan đầu tư bước vào quý 4-2020 có thể yếu ớt hơn con số chính thức. Đây là rủi ro các doanh nghiệp cần lưu ý", ông Marro cảnh báo.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay nghiêng về đầu tư thay vì tiêu dùng - Ảnh: SCMP
Leland Miller, giám đốc hãng tư vấn China Beige Book chuyên theo dõi nền kinh tế Trung Quốc, lưu ý thêm một lỗ hổng mà theo ông là đáng lo ngại hơn trong dữ liệu của Trung Quốc.
Cụ thể, Trung Quốc ghi nhận đầu tư tài sản cố định tăng 0,8% trong 3 quý đầu 2020 so với 2019, nhưng số liệu tuyệt đối trong cùng giai đoạn lại giảm vài ngàn tỉ nhân dân tệ.
"Đây không phải là chênh lệch chút đỉnh, đây là 2,5 ngàn tỉ nhân dân tệ trong đầu tư tài sản cố định biến mất", ông Miller nhấn mạnh.
Lời giải thích duy nhất của chính quyền Trung Quốc là sự khác biệt nảy sinh do dữ liệu được thay đổi để "phản ánh kết quả của cuộc tổng điều tra kinh tế quốc gia lần 4, việc thực thi luật thống kê và quy định của các chương trình thống kê".
Bởi vậy các nhà kinh tế không có cách nào đánh giá dữ liệu mới chính xác ra sao, hoặc so sánh chúng với các dữ liệu khác.
Theo ông Miller, nếu đầu tư tài sản cố định giảm như dữ liệu thô gợi ý, trong khi tiêu dùng cũng giảm theo, tăng trưởng GDP nói chung có thể thấp hơn nhiều con số do Trung Quốc công bố.
"Mọi người nghĩ Trung Quốc đã quay lại, họ đã làm rất tốt... nhưng thực chất họ vẫn còn cách xa vị trí ban đầu (trước COVID-19)", ông Miller nhận định.
Thậm chí nếu tăng trưởng bật lên trong năm tới, các vấn đề mang tính cấu trúc vẫn còn đó, bao gồm nợ công, dân số già, năng suất thấp, môi trường thương mại - đầu tư bên ngoài kém thân thiện hơn. Tất cả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc.
George Magnus, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng UBS
TTO - Nhiếp ảnh gia Trần Mạn (Trung Quốc) vấp phải phản ứng từ nhiều người Việt trên mạng xã hội sau khi đăng ảnh trang phục có nhiều điểm tương đồng với áo dài do chính cô thiết kế.
Xem thêm: mth.17733351162010202-couq-gnurt-auc-3-yuq-et-hnik-uam-pehp-uas-aihp-al-ig-oc/nv.ertiout