Không chỉ vận chuyển bằng xuồng, ghe mà các nhóm đối tượng còn nghĩ ra nhiều chiêu trò, phương thức mới nhằm qua mặt lực lượng chức năng, đưa lượng lớn hàng lậu qua biên giới Việt Nam.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Những nơi được gọi là điểm nóng của hàng lậu phải kể đến là: kênh 79, 5 Lùng, Sáu Nhỏ, Vĩnh Tế, rạch Miếng Ngói Lớn, Miếng Ngói Nhỏ… Đợi lúc an toàn bằng nhiều cách khách nhau, các đối tượng sẽ đưa hàng vào nội địa Việt Nam.
Khoảng 1 giờ ngày 16-10, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Tịnh Biên (An Giang) gồm 5 đồng chí tổ chức tuần tra, kiểm soát, mật phục địa bàn TT.Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Đến khoảng 3 giờ 50 phút cùng ngày, tổ công tác phát hiện khu vực mương Hai Bé (khóm Xuân Bình, TT.Tịnh Biên) có 4 đối tượng kéo nhiều bao đồ đi trên cánh đồng ngập nước hướng từ Campuchia về Việt Nam. Tổ công tác ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra thì nhóm đối tượng bỏ lại tang vật chạy trốn.
Qua kiểm tra sơ bộ, tang vật gồm 1.000 gói thuốc trừ sâu, 4.678 chai nước hoa, 630 chai kem các loại, 40 mặt nạ dưỡng da… với tổng trị giá 55 triệu đồng.
Đến khoảng 5 giờ cùng ngày, chốt chống dịch Covid-19 số 3 và số 4 phối hợp với Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm tuần tra, kiểm soát trên địa bàn TT.Tịnh Biên. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, tổ công tác phát hiện khu vực cống Tư Mèo (thuộc khóm Xuân Bình) có 3 đối tượng kéo nhiều bao đồ từ Campuchia về Việt Nam. Phát hiện tổ công tác ra tín hiệu kiểm tra thì các đối tượng nhanh chân tẩu thoát về Campuchia. Tang vật bị thu giữ là 27 bao đường cát (50kg/bao) với tổng trọng lượng 1.350kg, trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Trực tiếp tham gia chỉ huy và bắt giữ 2 vụ buôn lậu bằng thủ đoạn mới nói trên, Thượng úy Nguyễn Phước Tới - Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn BPCKQT Tịnh Biên cho biết: Các chủ đầu lậu tập kết hàng hóa ở các kho sát biên giới, sau đó chúng tổ chức thuê người đai, vác qua các cánh đồng, dùng vỏ lãi vận chuyển qua kênh Vĩnh Tế. Thời gian gần đây, chúng giả làm người dân bắt cua, ốc trên đồng sau đó cho hàng lậu vào các bao nilon rồi kéo từ biên giới vào Việt Nam.
Chúng thường chọn thời gian vào đêm khuya, giờ nghỉ, ngày nghỉ. Trước khi thực hiện, chúng cử người canh canh gác, theo dõi lực lượng chống buôn lậu và đến thời điểm thích hợp sẽ xé lẻ hàng hóa vận chuyển qua các chốt kiểm dịch, rồi có nhóm chở vỏ lãi đón nhận hàng. “Việc phát hiện các đối tượng vận chuyển hàng lậu bằng thủ đoạn mới do dựa vào kinh nghiệm phán đoán, bởi họ đi đánh bắt cá lại không mang theo dụng cụ và đi bộ thay vì đi vỏ lãi. Đáng nói các đối tượng chọn lúc mưa lớn kéo hàng lậu vào thời điểm ban ngày. Số hàng hóa bắt được còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng” - Thượng úy Tới cho biết thêm.
Theo Trung tá Trần Hòa Hiệp - Đồn trưởng Đồn BPCKQT Tịnh Biên: “Địa bàn đồn bố trí 18 chốt gác. Qua theo dõi trên địa bàn có 6 đường dây buôn lậu đường cát và thuốc lá. Từ đầu năm đến nay độc lập bắt 38 vụ buôn lậu, tổng giá trị tang vật thu giữ khoảng 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra còn phối hợp bắt 23 vụ, với số tiền tang vật 1,4 tỷ đồng”.
Làm gì để ngăn chặn hàng lậu?
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong thời gian qua, do ảnh hưởng từ công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu thuốc lá điếu luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng chức năng để vận chuyển mặt hàng này qua biên giới vào nội địa, thách thức pháp luật.
Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, các đối tượng chuyển hàng lậu không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống; thường xuyên thay đổi địa điểm, cắt cử người canh giữ, rồi chờ người đến nhận. Nếu phát hiện lực lượng chống buôn lậu, bọn chúng bỏ lại hàng hóa, phương tiện để thoát thân. Phương tiện dùng chở hàng lậu đều không có giấy tờ, biển số giả hoặc đã bôi đen biển số. Những người tham gia hoặc liên quan đến việc vận chuyển hàng cấm phần lớn là người địa phương. Vì vậy, họ rất thông thạo địa bàn và tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Các đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu không trực tiếp thực hiện mà thuê người dân biên giới làm thay.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.736 vụ (tăng 30% so cùng kỳ), mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với tổng trị giá hàng hóa bị bắt giữ 44,6 tỷ đồng. Lực lượng chức năng khởi khởi tố 37 vụ/42 đối tượng (tăng 16 vụ/20 đối tượng so với cùng kỳ). Trong đó, thuốc nhập lậu trên 820.000 gói (tăng 10,7% so cùng kỳ), đường cát nhập lậu bắt giữ khoảng 240 tấn (giảm 27,4% so với cùng kỳ).
Đại tá Nguyễn Tấn Phước – Phó giám đốc Công an tỉnh – Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 An Giang cho biết: “Do đường biên giới dài gần 100km nên công tác chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn, mức hỗ trợ, khen thưởng người dân tố giác tội phạm còn thấp. Chúng tôi đề nghị nhiều lần rồi, ít nhất giữ lại 5% giá trị buôn lậu để thưởng cho người dân tố giác và lực lượng chống buôn lậu. Nếu có quỹ này thì khích lệ người dân tố giác và cán bộ bắt giữ sẽ rất nhiều. Còn như hiện nay chưa đủ sức khích lệ người dân tố giác tội phạm”.
Đại tá Phước còn cho rằng, về lâu về dài Việt Nam nên thành lập quỹ phòng chống buôn lậu các loại để kịp thời khen thưởng, động viên cán bộ và nhân dân đấu tranh với các loại tội phạm này. Đồng thời Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chống buôn lậu thuốc lá.
“Lúc trước bắt tội phạm vận chuyển thuốc lá lậu thì chúng tôi làm quyết liệt chuẩn bị khởi tố thì sửa luật nên buộc lòng chúng tôi thả hết. Bây giờ quy định vận chuyển 1.500 cây thuốc mới khởi tố thì họ vận chuyển ít lại và nhiều lần nên cũng khó. Rõ ràng, luật chưa nghiêm nên tội phạm không sợ. Giải pháp căn cơ và dài hạn là giải quyết công ăn việc làm cho người dân sống dọc biên giới, để họ không tiếp tay cho buôn lậu” - đại tá Phước nói thêm.
Một lãnh đạo Công an huyện An Phú - cho biết: “Chúng tôi đề xuất lắp camera an ninh ở biên giới hay tại các điểm nóng. Nếu có nó thì ngoài việc kiểm soát còn có nhiệm vụ đấu tranh tội phạm khi cần thiết. Lúc này cho dù họ có đưa hóa đơn cũng không thể qua mặt được lực lượng chức năng”.
Đại tá Trần Duy Thụ (Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm – Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang): Sau thời gian giãn cách xã hội về phòng chống dịch, việc vận chuyển thuốc lá có chiều hướng tăng trở lại do khan hiếm hàng ngoại, giá cả một số mặt hàng có sự chênh lệch cao giữa hàng trong nước và ngoài nước, lợi nhuận đem lại lớn, nhu cầu sử dụng của người dân đối với thuốc lá còn khá cao. Bên trong nội địa còn tồn tại nhiều nơi bán thuốc lá lậu lén lút là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến phức tạp. Nổi lên một số địa bàn như: xã Vĩnh Xương (TX.Vĩnh Châu), xã Khánh An, Khánh Bình, TT.Long Bình (huyện An Phú), TT.Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên). Đặc biệt là địa bàn phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc có thời điểm lợi dụng đêm tối đối tượng buôn lậu đi thành từng đoàn từ 80-100 người ngang nhiên đai vác hàng lậu và có hành vi ngăn cản, dùng dao hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu. |
Xem thêm: lmth.739101_man-yat-ioig-neib-auq-ual-gnah-nout-ueik-noum/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc