Tàu container Margrethe Maersk làm hàng tại cảng CMIT sáng 26-10 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trước đó, chiều 25-10, tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) đã cập cảng CMIT. Tàu này dài gần 400m, rộng 59m, có trọng tải 214.121 tấn, với sức chở lên đến 18.340 TEU (một TEU tương đương thể tích của một container 20 feet).
Đây là lần thứ hai tàu này cập cảng CMIT nhưng lần trước (tháng 2-2017) đi không tải, còn lần này trên tàu chất khá đầy container. Cập cảng lần này, tàu Margrethe Maersk bốc xếp khoảng 6.500 container, sau đó sẽ tiếp tục hải trình đi Mỹ vào chiều 26-10.
Tàu Margrethe Maersk tại cảng CMIT sáng 26-10- Video: Đ.H
Phát biểu tại lễ đón tàu, Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công khẳng định việc tàu Margrethe Maersk quay lại Cái Mép - Thị Vải là sự kiện hết sức có ý nghĩa, ghi dấu ấn của ngành hàng hải Việt Nam lên bản đồ hàng hải thế giới khi trở thành một trong khoảng 20 khu bến cảng trên thế giới có thể đón được siêu tàu trên.
"Cách đây khoảng 10 năm, nếu ai đó nói rằng vào năm 2020 khu Cái Mép - Thị Vải có thể đón được tàu 200.000 tấn thì sẽ có ý kiến cho rằng đó là viển vông, không thể trở thành hiện thực", nhưng hôm nay đã thành sự thật", ông Công nhấn mạnh.
Bốc dỡ container từ tàu Margrethe Maersk tại cảng CMIT sáng 26-10 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cũng theo ông Công, 10 năm trước, sản lượng hàng hóa thông qua Cái Mép - Thị Vải rất khiêm tốn, chỉ vài chục ngàn container rồi lên vài trăm ngàn, và năm 2012 cũng chỉ xấp xỉ 1 triệu TEU.
Nhưng từ mấy năm qua, hàng hóa qua khu vực này tăng trưởng liên tục, với khoảng trên dưới 20%/năm.
"Từ một bến cảng đìu hiu cách đây 10 năm, đến nay khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải đã thành cảng sôi động nhất, với lượng hàng hóa qua cảng 9 tháng 2020, đạt khoảng 5,4 triệu TEU, cả năm sẽ đạt 7,2 triệu TEU. Như vậy lượng container qua khu Cái Mép - Thị Vải đã vượt công suất thiết kế là 6,8 triệu TEU/năm", ông Công cho biết.
Container chất cao trên tàu Margrethe Maersk - Ảnh: Đ.H.
Ông Công cũng chỉ ra các tồn tại, bất cập trong đầu tư để phát huy hết lợi thế nước sâu của Cái Mép - Thị Vải. Đó là kết cấu hạ tầng giao thông còn ít, luồng lạch chưa đủ sâu để tàu có trọng lớn như Margrethe Maersk hải hành thoải mái.
Cụ thể, suốt thời gian dài vừa qua, Nhà nước mới chỉ đầu tư khoảng 3.800 tỉ cho hạ tầng hàng hải công cộng, luồng hàng hải vào Cái Mép - Thị Vải chỉ đạt độ sâu -14 mét, nên để đảm bảo an toàn cho tàu lớn vào phải áp dụng giải pháp bổ sung dẫn đến chi phí lớn.
Ông Nguyễn Văn Công nhận hoa và mô hình tàu Margrethe Maersk: Ảnh: Đ.H.
Do đó, ông Công đề nghị phải kiến nghị Chính phủ khẩn trương đầu tư Biên Hòa - Vũng Tàu, hoàn thành nhanh cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Phước An, cũng như phải đầu tư để đưa luồng Cái Mép - Thị Vải xuống ít nhất -15,5 mét.
Đồng thời phải có cơ chế chính sách rẻ hơn thuận lợi hơn các nước xung quanh thì mới thu hút được hàng hóa về, đáp ứng nhu cầu trung chuyển không chỉ của Việt Nam mà của các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Philippines.
"Chỉ như vậy mới phát huy hết thế mạnh của Cái Mép - Thị Vải", ông Công nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Công cho biết mình có nhận phản ánh rằng khu cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư đến 11 tỉ USD nhưng mới chỉ khai thác được khoảng 20% công suất thiết kế (công suất thiết kế của các bến cảng ở Cái Mép - Thị Vải là 6,8 triệu tue/năm).
Ông khẳng định với các cơ quan báo chí hiện khu vực này đã khai thác hết công suất thiết kế chứ không phải chỉ mới 20% như một số thông tin phản ánh.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, thủy thủ của tàu Margrethe Maersk không được phép xuống cảng mà ở lại trên tàu.
TTO - Các cảng biển lớn trên thế giới phải là đầu mối giao thông kết nối với các loại hình vận tải khác để tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa, trong khi Cái Mép - Thị Vải của vùng Đông Nam Bộ hiện nay chỉ mới có đường bộ mà chưa có đường sắt.
Xem thêm: mth.27065644162010202-iav-iht-pem-iac-pac-ad-gnob-nas-4-gnab-iad-reniatnoc-uat-ueis/nv.ertiout