Ông Lê Văn Quang phát biểu tại hội nghị ngày 26-10 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội nghị sơ kết thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26-10, ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nêu lên một thực trạng nghịch lý trong nuôi tôm ở ĐBSCL.
Theo ông Quang, mỗi hộ nuôi tôm hiện nay có 3-5ha, nếu nuôi tôm theo công nghệ cao thì chi phí đầu tư khoảng 2 tỉ đồng/ha.
"Người có đất 3-5ha thì không có vốn. Còn người có vốn thì không có đất. Các ngân hàng và tổ chức tài chính có nhiều tiền nhưng không dám cho người nuôi tôm vay vì rủi ro cao", ông Quang nói.
Ông Quang cho biết để giải quyết vấn đề này, tập đoàn của ông đã xây dựng một app, cài đặt phần mềm thông minh giúp người nuôi tôm có nhiều thông tin về ao nuôi, dịch bệnh trên tôm..., đặc biệt từ đó ngân hàng cũng có thông tin về ao nuôi để "giải quyết vấn đề vốn cho người nuôi".
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị các viện, trường có nghiên cứu về việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số vùng ngọt, nhưng gần đây bị mặn cục bộ của tỉnh này (thuộc huyện Trà Ôn, Vũng Liêm giáp với tỉnh Trà Vinh) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Tương tự, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị về việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ngọt nhưng gần đây bị nhiễm mặn của tỉnh (giáp với tỉnh Bạc Liêu) với diện tích nhiễm mặn năm 2019 khoảng 80ha.
TTO - Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng nguy cơ từ hạn, mặn sẽ là thời cơ để phát triển nông nghiệp nếu biết khai thác hợp lý trong đó nuôi, trồng “thuận thiên” được xem là giải pháp tốt nhất.