Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Thiện phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Đ.BÌNH
Giải quyết vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, tiền lương, thu nhập
Đây là một trong hai nội dung được hầu hết các đại biểu là đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) các tỉnh thành phía Bắc, công đoàn ngành nêu lên tại Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức chiều 26-10.
Bà Nguyễn Thị Như Huệ - phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang - cho rằng sự phát triển của giai cấp công nhân hiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế.
Chất lượng đội ngũ công nhân có những dấu hiệu hụt hẫng, bất cập. Tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 22% lực lượng lao động.Tác phong, kỷ luật lao động của công nhân còn nhiều hạn chế, chậm thích nghi với cơ chế thị trường…
Đời sống của đội ngũ công nhân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên vấn đề bảo đảm việc làm của công nhân còn nhiều khó khăn, cường độ làm việc cao nhưng tiền lương, thu nhập chưa tương xứng.
Công nhân, lao động phổ thông làm việc chỉ với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng thì không đủ sống nên phải làm thêm đủ thứ. Nhiều công nhân còn không có thời gian để quan tâm đến đời sống tinh thần, chính trị xã hội.
"Đảng, Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân thành cơ chế chính sách cụ thể, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân, tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, những đóng góp của giai cấp công nhân.
Trước mắt cần giải quyết các vấn đề bức xúc như nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, BHXH…", phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Khang (đứng), chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì hội nghị - Ảnh: Đ.BÌNH
Tập trung nguồn lực xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
Theo ông Trịnh Văn Bình - chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam - cạnh tranh về kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian tới sẽ rất khó khăn, phức tạp.
Vì vậy đòi hỏi tổ chức công đoàn cần có các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động một cách thiết thực, thực chất, hiệu quả. Phải xây dựng tổ chức công đoàn đủ lớn, mạnh cả về số lượng và chất lượng để thực sự đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bà Nguyễn Thị Minh - phó chủ tịch công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - mong muốn công đoàn cần khẳng định vai trò, vị trí, ưu thế của mình, trong tổ chức và hoạt động. Cần đổi mới cơ cấu tổ chức của các cấp công đoàn theo hướng gọn nhẹ hơn về tổ chức và đơn giản hơn về các mối quan hệ giữa các cấp công đoàn.
"Thời gian tới Đảng, Nhà nước cần tập trung nguồn lực để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh bởi đại bộ phận cán bộ công đoàn cấp cơ sở hiện kiêm nhiệm. Cán bộ công đoàn cũng là người lao động, được chủ sử dụng lao động trả lương nên khi bảo vệ người lao động sẽ nhận phản ứng tiêu cực từ phía chủ sử dụng lao động.
Vì vậy cần tăng cường cán bộ công đoàn cơ sở chuyên trách cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước và tạo cơ chế để bảo vệ cán bộ công đoàn không chuyên trách…", bà Minh nhấn mạnh.
TTO - Báo cáo kiểm toán 2020 vừa được Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc gửi tới các đại biểu Quốc hội, ghi nhận nguồn quỹ công đoàn do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý những năm qua tăng nhanh, nhưng chi cho hoạt động công đoàn lại rất hạn chế.