Chiều 26-10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Trung Chinh đồng chủ trì cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với bão số 9.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì cuộc họp. Ảnh: TẤN VIỆT
Sơ tán hơn 140.000 dân
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tính đến 10 giờ ngày 26-10, tổng số tàu thuyền của Đà Nẵng là 1.242 tàu/7.430 lao động.
Trong đó, số phương tiện đang neo đậu là 1.235 tàu/7.368 lao động, số phương tiện đang hoạt động trên biển là bảy tàu/62 lao động.
Cụ thể, khu vực Tây Nam Hoàng Sa còn hai tàu/19 lao động, Quảng Ngãi còn hai tàu/17 lao động, Bình Định một tàu/chín lao động, Nam biển Đông còn hai tàu/17 lao động. Các phương tiện đã nắm được thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Tại Âu thuyền Thọ Quang hiện có 1.133 chiếc (tàu Đà Nẵng: 403 chiếc, tàu ngoại tỉnh: 731 chiếc) đang neo đậu. Có 832 chiếc đưa lên bờ và neo đậu ở các tỉnh.
Các địa phương đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán dân theo phương án đã được Chủ tịch UBND quận, huyện duyệt.
Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8-11: Tổng số hộ sơ tán là 19.215 với tổng số người 72.136.
Dự kiến số lượng người sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12-13: Tổng số hộ sơ tán là 35.229 với tổng số người 140.868.
Những người phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm.
Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay hiện có 23 công trình với 41 cẩu tháp đang hoạt động. Sở đang yêu cầu hạ và neo, giăng theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn, hoàn thành trước 12 giờ ngày 27-10.
Người dân Đà Nẵng chèn chống nhà cửa trước bão số 9. Ảnh: TẤN VIỆT
Không tự ý triển khai cứu hộ cứu nạn
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhắc nhở ngay việc nhiều giám đốc sở vắng mặt tại cuộc họp, cử cấp phó đi thay. “Không được chủ quan và suy nghĩ một cách xuôi chiều” – ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, những cuộc họp quan trọng như vậy mà cấp trưởng vắng mặt, cấp phó đi thay về báo cáo có khi không đầy đủ.
“Sau cuộc họp, UBND TP ra thông báo quy định trách nhiệm người đứng đầu để truy trách nhiệm nếu xảy ra chuyện gì” – ông Quảng yêu cầu.
Về sơ tán dân, ông Quảng cho hay cần huy động lực lượng từ các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vận động người dân.
Từ cấp TP đến cấp quận huyện, phường xã phải thành lập ngay các tổ kiểm tra việc thực hiện công điện của TP.
“Bài học COVID-19, không tăng cường công tác kiểm tra mà hành chính hóa giấy tờ từ trên xuống dưới. Cấp dưới làm sao thì không nắm được là không hiệu quả” – ông Quảng lưu ý.
Bí thư Đà Nẵng cũng yêu cầu kiểm tra độ an toàn của nơi sơ tán. Các nơi được chọn sơ tán dân đến phải đảm bảo vừa chống gió, vừa chống lũ vì là nơi tập trung đông người.
Đặc biệt, ông Quảng yêu cầu UBND TP ban hành thông báo cấm người dân và các phương tiện lưu thông trên đường từ chiều, tối mai (27-10).
Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: “Phải ra lệnh cấm chứ cứ động viên, khuyến khích. Cấm là để đảm bảo an toàn cho người dân. UBND TP lựa chọn thời điểm yêu cầu rất rõ là người dân không được ra đường, phương tiện không được lưu thông vào những thời điểm nhất định”.
Ông Quảng cũng lưu ý TP phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho chính lực lượng cứu hộ cứu nạn.
“Các lực lượng không tự ý triển khai khi chưa có lệnh. Đi cứu một người mà thiệt hại 2-3 người thì không phải mục tiêu của chúng ta. Khi có lực lượng, đảm bảo phương tiện mới đưa quân ra chứ cứ theo lý thuyết đưa ra là không được” – Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.