"Em không hiểu vấn đề, không phục hay là như thế nào? Em có quyền yêu cầu tất cả những thứ mà em muốn và sau đó cho anh biết giải pháp, đừng chỉ comment như thế".
Trong căn phòng làm việc rất nhỏ kiêm luôn phòng họp, đạo diễn Việt Tú – Người đồng thời sở hữu công ty Dream Studio - chống tay "quát" nhân viên.
"Chúng tôi đang làm chương trình cho Grand World Phú Quốc, một dự án lớn, rất lớn". CRAZY!" - Việt Tú nhún vai.
Việt Tú hiện tại là đạo diễn nổi tiếng nhất Việt Nam. Công ty Dream Studio do anh thành lập năm 2011 là đơn vị dựng nên những sản phẩm bom tấn, lộng lẫy và hoành tráng như Nhật Thực (show Hà Trần), Thuở ấy xứ Đoài, Hồ Ngọc Hà Live Concert …và mới đây là Tatashow được Vingroup đầu tư 230 tỷ đồng để biểu diễn ở Vinpearl Nha Trang.
Thế nhưng trụ sở công ty chỉ là một căn phòng cực kỳ đơn giản nằm trong một tòa nhà trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), với khoảng chục nhân viên hợp đồng chính thức.
Tại đây, Việt Tú và cộng sự ngày ngày thực hiện các cuộc "xa luân chiến". Mỗi người sẽ có 15 phút, tha hồ tranh luận với sếp. Tú sẽ giải quyết những vấn đề theo cách từ thuyết phục đến áp đặt. Anh thậm chí duyệt từng viên gạch.
"Việc của tôi chỉ là làm cho công việc trôi thôi. Công việc không trôi, tôi bị bận rộn có nghĩa là tôi quản lý kém và tôi không có thời gian rảnh đi chơi nữa".
Cách thức của Việt Tú là chỉ làm việc với cấp quản lý, tức những người ở cấp bậc cao về mặt nghề nghiệp và quản trị. Còn lại, công ty đi thuê ngoài.
Theo đó, Việt Tú định hình Dream Studio là một bộ não, một mô hình quản trị chứ không phải là gánh hàng xén làm tất cả mọi thứ. Ngay khi bắt đầu một dự án, Dream Studio sẽ đào tạo, bắt buộc đội nhân sự thuê ngoài phải mang ADN của công ty: Kỷ luật và Sáng tạo.
Việt Tú cho biết chưa từng gặp vấn đề gì với lực lượng thuê ngoài.
Bố mẹ Việt Tú cũng nghĩ con mình không bình thường khi chứng kiến sự nổi loạn của anh. Tú nghịch phá, lôi hết đồ của ông nội ra chọc thủng, ham chơi, đua patin ăn tiền. Anh từng trở thành gương mặt trang bìa của báo Hoa học trò theo cách không giống ai: Trượt Patin gây nguy hiểm.
"Ừ, nhưng tôi thấy thích. Tôi còn cho rằng đó là một thương hiệu".
Trên tường, Việt Tú treo một bức ảnh chụp cùng người thầy của mình. Đó là Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương - nơi Việt Tú tu tập.
Từ một người "Crazy" và lông bông đến vị trí như bây giờ, Việt Tú tự nhận mình gặp thời và may mắn. Các tác phẩm đầu tay, mọi thứ Tú động vào đều trở thành bom tấn.
"Đó là số mệnh của tôi" - Việt Tú nói đơn giản.
Xung quanh bàn làm việc của Việt Tú bày các bức tượng Phật.
Với con mắt của một Phật tử phái Mật Tông 14 năm, anh giải thích: "Tôi cho rằng, những thứ tôi có được trong cuộc sống mà không lý giải được, thì đó là nhân duyên do tôi tu tập từ kiếp trước. Hoặc do kiếp này tôi làm việc lành và được đền đáp.
Tất nhiên, mọi người đều hiểu muốn thành công thì phải nỗ lực, cũng giống như muốn người đẹp thì phải tập gym. Nhưng cuộc sống phức tạp hơn rất nhiều. Bạn phải có tư duy đúng, con đường đúng, thì mới có hành xử đúng. Nhưng ai chỉ cho bạn con đường? Điều gì làm bạn được chọn để đi con đường ấy. Đó là may mắn, là ông trời cho tôi cái phước ấy".
"Theo kinh Phật, chúng ta sinh ra là con người, có đầy đủ tứ chi đã là duyên phước rồi. Bạn sống hạnh phúc, có công việc, có nhân tướng… đó là một nhân duyên. Còn tùy cấp bậc mà mỗi người có một vị trí, phúc phận khác nhau trong cuộc sống.
Nếu bây giờ bạn chưa có thì không có nghĩa là bạn không có. Có thể là quả của bạn đơm muộn hơn của người khác. Có thể kiếp này chưa được thì kiếp sau sẽ được. Cuộc sống chúng ta là một cái gì đó rất kỳ bí để đến được ngày hôm nay.
Tôi tin điều đó và vì thế tôi rất thư giãn. Tôi tận hưởng cuộc sống của mình và cũng có ý thức giữ gìn".
Cuộc sống của Việt Tú quả thực đáng tận hưởng. Đối lập với sự đơn giản của căn phòng làm việc tại công ty, phòng làm việc của Việt Tú tại căn biệt thự ở Long Biên rất hoành tráng nhưng anh chỉ đồng ý chia sẻ một phần hình ảnh.
Kiệt tác nghệ thuật mà Việt Tú tự hào nhất ở đây là cuốn Mural of Tibets (Tranh tường Phật Giáo Tây Tạng) được mua tại nhà sách Taschen (Paris). Đó là tuyển tập các bức tranh tường hàng nghìn năm của Phật giáo Mật Tông với màu sắc và phong cách rất đặc trưng: Vừa lộng lẫy vừa trang nghiêm.
Khi nhìn thấy cuốn sách, Việt Tú choáng ngợp vì sự kỳ vĩ của nó. Anh vét sạch tiền trong thẻ để mua.
"Trong đạo Phật nói chung, nghệ sỹ là các chư thiên, là người lo đàn ca sáo nhị trên trời. Khi Chư thiên phạm lỗi, bị đày xuống trần gian, thì được đầu thai làm nghệ sỹ. Tôi rất tin vào câu chuyện đó" - Việt Tú trang trọng dùng găng tay khi lật giở từng tờ tranh. Cảm xúc lẫn nguồn năng lượng kỳ bí từ cuốn sách Phật khiến anh sởn da gà mỗi khi chạm vào.
Ngoài cuốn sách quý mà mỗi ngày Tú lại lấy ra chiêm nghiệm một chút thì một thứ quý giá khác là bộ DVD - cái mà Tú gọi là khởi nguồn thành công của anh, là toàn bộ thế giới quan, nhân sinh quan về cách tư duy hình ảnh của anh khi còn trẻ.
"Bộ DVD này giống như là một thứ gì đó rất ký ức để khi nhìn thấy, mình tự nhắc nhở phải không ngừng nghiên cứu, không ngừng học hỏi".
Những ngày đầu khởi nghiệp, Tú thức cả đêm ở VTV để xem kênh MTV. Đây là thời điểm chiếu các chương trình giới hạn độ tuổi. Theo anh, các chương trình này mới có nhiều thứ hầm hố, dị dạng và Tú xem để biết thế nào là những tư duy đặc biệt.
Thực tế, sách tại căn phòng này chủ yếu là sách mà Việt Tú… chưa đọc. Việt Tú thừa nhận, khả năng đọc của mình kém, nhưng khả năng cảm nhận, tư duy hình ảnh, âm thanh và biến nó thành ngôn ngữ kể chuyện thì xuất sắc.
Ngày còn trẻ, Tú từng rất hoang mang khi người ta bảo làm nghề này phải có vốn hiểu biết, muốn hiểu biết thì phải đọc. Tú bị xếp ở dạng "nông cạn, thiếu hiểu biết" vì văn hoá đọc hạn chế. Cuối cùng, anh vẫn tìm được một con đường khác để bộc lộ những thứ "crazy" trong con người mình ra. Đó là ngôn ngữ hình ảnh.
Trước đây, Việt Tú từng chỉ muốn làm những thứ mà bản thân mình thích. Phải những người nào cực kỳ thích Việt Tú, muốn làm những thứ "crazy" thì tìm đến Việt Tú.
Và đến thời điểm hiện tại, trong thời đại 4.0, không ai có thể phủ nhận sức mạnh của hình ảnh và âm thanh trong việc đánh thẳng vào trí não và cảm xúc của người xem để truyền tải thông điệp.
"Nếu như tôi sinh vào 20 năm trước, làm nghề từ 20 năm trước mà làm những thứ như bây giờ thì có khi không thành công vì làm gì có ai hiểu đâu. Sự may mắn của tôi là như thế: Được ban một khả năng tư duy nghệ thuật - khả năng ấy đúng thời điểm, có con người để thực hiện, đủ điều kiện để thực hiện, và thời điểm phù hợp. Đây là may mắn, vì tôi không thể kiểm soát việc mình sinh ra vào năm 1977, cũng không kiểm soát được việc làm nghề này, không kiểm soát được những thứ tôi sẽ đi tìm. Đó là thứ ông trời ban cho" – Việt Tú nhắc đi nhắc lại.
Vào cuối tuần, Việt Tú làm việc ở nhà. Mùa thu đẹp trời, anh chui lên đây ngồi một mình thư giãn, hoặc ngồi dưới vườn ngắm cây cối hoa lá.
"Tôi thấy hài lòng và biết ơn những gì mình đang có trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tôi cho rằng, sự thành công hay vật chất phải đi cùng hạnh phúc. Đó là khi chúng ta vui, chúng ta có thời gian để hưởng thụ sự thoải mái về vật chất và mọi thứ xung quanh ta có giá trị đồng đều".
"Tôi chỉ luôn hướng đến một cái đích là được làm nghề lâu nhất có thể. Làm sao để đến khi 80 tuổi, tôi vẫn có thể nói chuyện được với người 20 tuổi về nghệ thuật, sáng tạo, thậm chí là về thời trang, mà người ta không bảo tôi là lỗi thời. Kiểu như "Cụ trông như này thôi vẫn ngon lắm, update lắm." – Tú cười.