vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường ô tô bước vào mùa cao điểm

2020-10-27 11:16

Sau khi thực hiện rầm rộ chiến lược giảm giá xe ở tất cả các phân khúc, từ bình dân cho đến xe sang nhằm chạy đua doanh số do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tháng Ngâu, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10/2020, một số hãng xe rục rịch tăng giá trở lại trong dịp mua sắm sôi động cuối năm.

Hiện nay, nhiều hãng xe bắt đầu điều chỉnh tăng giá từ 10 - 20 triệu đồng tùy từng mẫu xe và phiên bản. Nguyên nhân là do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, nên khách hàng đổ xô đi mua ô tô sản xuất trong nước để "chạy" ưu đãi.

VẪN KHÓ ĐOÁN ĐỊNH 

Thị trường ô tô bắt đầu khởi sắc từ tháng 9/2020 khi nhiều hãng xe tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá lớn nhằm kích cầu doanh số. Cụ thể, cùng với việc giảm 50% phí trước bạ theo Nghị định 70, khách hàng mua xe còn được hỗ trợ thêm 50% phần lệ phí trước bạ còn lại. 

Như vậy, kết hợp cả hai chương trình khuyến mại tổng ưu đãi lên tới 100% lệ phí trước bạ. Ngoài ra, nhiều mẫu xe còn ưu đãi cho khách hàng bằng việc giảm giá trực tiếp từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng.

Đơn cử như VinFast Fadil, mẫu xe Việt đang được nhà sản xuất áp dụng giảm giá cho phiên bản cao cấp 25 triệu đồng từ ngày 15 đến hết ngày 31/10. Kèm theo đó hãng xe Việt còn ưu đãi cho khách hàng 50% phí trước bạ còn lại. Như vậy sau khi được giảm giá, miễn phí trước bạ, khách hàng có thể tiết kiệm 64 - 115 triệu đồng tuỳ phiên bản và khu vực.

Hai phiên bản Kona và Tucson cũng được các đại lý của Hyundai tại Hà Nội giảm 40 triệu đồng/chiếc, trong khi đó SantaFe là 60 triệu đồng. Mẫu xe Mitsubishi Xpander bản lắp ráp giảm 15 triệu đồng tiền mặt. Mẫu xe đang dẫn đầu doanh số trên thị trường Toyota Vios cũng nhận ưu đãi lên đến 25 triệu đồng trong tháng 10/2020.

Nhiều mẫu xe nhập khẩu từ phân khúc phổ thông đến hãng sang cũng phải giảm giá để cạnh tranh. Cụ thể, trong tháng 10/2020, Subaru giảm giá mạnh với mẫu Forester. Lần đầu tiên mẫu SUV hạng C của Subaru giảm giá bán lẻ còn dưới 900 triệu đồng. Ba phiên bản Forester có giá ưu đãi là 899 triệu, 1,029 tỷ và 1,179 tỷ đồng. Mức giảm cao nhất tới 229 triệu đồng.

BMW giảm giá cho nhiều mẫu xe với mức giảm tới 800 triệu đồng. Cụ thể X7 giảm 800 triệu, X5 giảm 20 triệu, X4 giảm 160 triệu, X3 giảm đến 330 triệu, X2 giảm đến 310 triệu. Mẫu xe mới được giảm giá gây chú ý gần đây là 5-Series. Phiên bản 520i giảm gần 200 triệu, còn xấp xỉ 1,8 tỷ đồng...

Ở phân khúc bình dân hơn, mẫu xe được giảm giá nhiều nhất là Ertiga với mức giảm tới 42 triệu đồng. Bản tiêu chuẩn có giá chỉ 457,9 triệu đồng. XL7 có mức giảm 25 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện các chương trình giảm giá, ưu đãi, khuyến mại để kích cầu doanh số, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10, nhiều dòng xe đã bắt đầu tăng giá trở lại. Trên thị trường hiện nay, một số mẫu xe đã bắt đầu tăng giá bán khoảng 10 - 20 triệu đồng, nhưng cũng có những mẫu xe tăng tới 100 triệu đồng. Đó là mẫu Mazda CX-5 phiên bản cao cấp nhất 2.5L Signature Premium, tăng 100 triệu đồng, đưa giá xe lên 999 triệu đồng. Ngoài ra, các phiên bản khác của Mazda CX-5 đều tăng giá 10 triệu đồng. 

Các mẫu ô tô thương hiệu Mazda khác được điều chỉnh giá bán theo hướng tăng lên còn có Mazda CX-8 tăng 10 triệu đồng, All-New Mazda 3 tăng 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số mẫu xe của Hyundai cũng tăng giá từ 11 - 21 triệu đồng như Hyundai Elantra, Hyundai Kona, Hyundai SantaFe, Hyundai Tucson.... Trong khi đó, dù không tăng giá bán, nhưng một số đại lý ô tô của Kia, Toyota... cũng ít có chương trình khuyến mãi.

Mặc dù giá xe bắt đầu tăng trở lại nhưng nhiều đại lý cho biết, giá xe tăng nhẹ nhưng khách hàng lại được tặng các gói phụ kiện cao cấp có giá từ 20 - 30 triệu đồng. Về cơ bản, khách hàng mua xe trong những tháng cuối năm vẫn không bị thiệt về giá. Như vậy, mức tăng khoảng 10 - 20 triệu đồng là con số không quá lớn cho khách hàng có ý định mua xe vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12/2020. Với tình hình thực tế hiện nay, giới chuyên doanh ô tô dự đoán từ nay đến cuối năm giá xe ô tô có tăng nhưng khó có thể tăng cao... 

CẠNH TRANH SẼ KHỐC LIỆT

Trong khi đó, theo báo cáo vừa được Tổng cục Hải quan công bố, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/10, cả nước nhập khẩu 73.685 ô tô nguyên chiếc. Trong đó, hai quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia là những thị trường NK ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, giá xe nhập từ Indonesia vẫn rất cạnh tranh vì thấp hơn nhiều so với các thị trường khác, bình quân chỉ khoảng hơn 12.000 USD/chiếc (tương đương khoảng 280 triệu đồng), chưa bao gồm thuế, phí. Còn xe nhập khẩu từ Thái Lan có giá khoảng 460 triệu đồng.

Cho dù ô tô nhập khẩu hiện đang "lép vế" so với xe trong nước do nhận được ít ưu đãi hơn, nhưng thực tế, việc cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với xe lắp ráp trong nước. Thời gian qua, việc Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước đã ít nhiều tác động đến thị trường xe. Tuy nhiên, ngay sau khi xe trong nước được giảm phí trước bạ từ 10-12% xuống còn 5-6%, nhiều hãng và doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi về nước cũng tuyên bố giảm tiền trực tiếp vào giá tương ứng với 10-12% phí trước bạ cho khách hàng.

Mới đây, báo cáo về ngành ô tô của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. 

Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Điểm đáng lưu ý, giá bán xe ô tô trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hoá thấp...

Từ thực tế trên, báo cáo nêu rõ, Việt Nam cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm. Cụ thể, với công nghiệp ô tô cần tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn. Sức cạnh tranh các xe nội địa quá yếu để hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện đầu tư nên tỷ lệ nội địa hoá thấp. Chính vì lẽ đó nên ngành công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước khó cạnh tranh với xe nhập. Đồng thời, việc xe nhập khẩu hưởng chính sách thuế 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đối với ô tô từ Thái Lan, Indonesia vẫn chiếm đa số trong tổng lượng ô tô nhập về Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đua ngày càng khốc liệt hơn.

Xem thêm: mth.45332201172010202-meid-oac-aum-oav-coub-ot-o-gnourt-iht/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường ô tô bước vào mùa cao điểm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools