Việc thượng vị Mỹ phê chuẩn bà Barrett vào chiếc ghế trống do Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người qua đời vào tháng 9/2020, để lại khiến 6/9 thẩm phán ở cơ quan quyền lực này do các Tổng thống Cộng hòa đề cử. Nhiều người nói rằng điều này sẽ định hình nước Mỹ trong nhiều thập kỷ tới bất kể ai trở thành Tổng thống.
Là nhánh thứ 3 của Chính quyền Mỹ, Tòa án Tối Cao không chỉ kiểm soát 2 nhánh khác (lập pháp và hành pháp) mà còn đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt, có thể thay đổi cơ bản nước Mỹ. Chẳng hạn như năm 1954, Tòa Tối cao quyết định việc tách các trường công lập là vi hiến.
Trở lại tới tình hình của Tòa Tối cao hiện nay, việc Thượng viện phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán tòa Tối cao dẫn tới việc cơ quan quyền lực này có 6 thẩm phán do các Tổng thống Cộng hòa đề cử, áp đảo hơn hẳn so với 3 người do các Tổng thống Dân chủ đề cử. Việc bà Ginsburg được thay thế bằng một thẩm phán bảo thủ có thể tác động tới nhiều thế hệ người Mỹ và góp phần quyết định các vấn đề như chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng hay tiếp cận quyền được phá thai.
Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc bà Barrett được Thượng viện Phê chuẩn là Thẩm phán tòa Tối cao có một ý nghĩa khác. Trong trường hợp cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 3/11 tới xảy ra tranh chấp, vụ việc sẽ được đưa lên Tòa Tối cao. Trong quá khứ, không ít trường hợp Tòa Tối cao đã phải đưa ra phán quyết về những tranh chấp mà qua đó góp phần quyết định ai trở thành Tổng thống Mỹ.
Với 6/9 các Thẩm phán Tối cao là người Cộng hòa, ông Trump có quyền hy vọng vào những phán quyết có lợi cho mình, nhất là khi năm nay có số lượng lớn cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư. Nếu không ai giành chiến thắng áp đảo, việc kiểm phiếu qua thư ở các bang chiến trường, vốn kéo dài nhiều ngày sau khi bỏ phiếu kết thúc, sẽ trở thành cuộc chiến mới của người Dân chủ và Cộng hòa. Nếu sự việc được đưa lên Tòa án Tối cao, người Cộng hòa sẽ có lợi thế.
Ngoài ra, việc lựa chọn một Thẩm phán vài ngày trước cuộc bầu cử cho ông Trump sự ủng hộ lớn hơn của cử tri. Kết quả thăm dò năm 2016 cho thấy 26% số cử tri ủng hộ ông Trump vì tin ông sẽ lựa chọn được một Thẩm phán Tối cao theo đường lối bảo thủ (lúc này có một ghế thẩm phán đang khuyết vì Thượng viện bác đề cử của Tổng thống Barack Obama). Trong khi đó, chỉ có 18% cử tri của bà Hillary Clinton nghĩ việc này quan trọng và tác động tới lá phiếu của họ.
Trong cuộc đua năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở các bang chiến trường Michigan, Pennsylvania và Wisconsin chỉ với khoảng 80.000 phiếu phổ thông nhiều hơn so với đối thủ. Số người người bỏ phiếu cho ông Trump vì việc lựa chọn Thẩm phán tòa Tối cao chắc chắn vượt xa con số này rất nhiều.
Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng mang đến cho ông Trump lợi thế. Năm 2016, Thượng viện đã khước từ ứng viên được Tổng thống Barack Obama đề cử cho vị trí Thẩm phán tòa Tối cao trong suốt gần 9 tháng. Năm nay, họ ngay lập tức phê chuẩn đề cử của ông Trump chỉ vài ngày trước cuộc tổng tuyển cử.
Bà Barrett bắt đầu cương vị thẩm phán vào năm 2017 và là Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 của Mỹ. Bà từng nằm trong danh sách ứng viên được ông Trump xem xét đưa vào thế chỗ thẩm phán Anthony Kennedy, người nghỉ hưu năm 2018 sau 30 năm đảm nhận cương vị này. Tuy nhiên, cuối cùng người được chọn khi đó là Brett Kavanaugh.