Một rạp phim ở Hàn Quốc thông báo tạm nghỉ do COVID-19 - Ảnh: YONHAP
CJ CGV đóng 30% chi nhánh ở Hàn Quốc
Theo Yonhap, CJ CGV - chuỗi rạp lớn nhất Hàn Quốc, liên kết với tập đoàn giải trí và bán lẻ khổng lồ CJ - vừa quyết định giảm 30% số lượng chi nhánh sau nhiều nỗ lực phục hồi từ dịch COVID-19.
Hôm 19-10, công ty này công bố một loạt biện pháp tái cấu trúc. Gói này bao gồm kế hoạch trong vòng ba năm tới sẽ cắt giảm 35-40 chi nhánh rạp chiếu phim do công ty trực tiếp điều hành trong tổng số 119 chi nhánh trên toàn Hàn Quốc.
Hôm 23-10, CGV công bố tên 7 chi nhánh bị đóng cửa trước là Daehangno, Thư viện Cine CGV ga Myengdong, Deungchon, Ga Yeonsu, Hongseong, Daegu Academy và Gwangju Geumnamro. Hôm 1-9, CGV đã đóng cửa chi nhánh ở sân bay Incheon.
Thị trường điện ảnh Hàn Quốc đang gồng mình vượt qua đại dịch - Ảnh: YONHAP
Từ khi COVID-19 bùng phát đầu năm nay, doanh thu của CJ CGV ước tính giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, CGV cố gắng đàm phán giảm giá thuê các chi nhánh chịu thiệt hại nặng. Công ty cho biết sẽ tạm dừng hoạt động các rạp thua lỗ lớn và xem xét đóng cửa nếu cần.
Việc mở các rạp mới sẽ bị hoãn hoặc tạm dừng. Số suất chiếu phim các ngày trong tuần sẽ được điều chỉnh linh hoạt.
Hôm 18-10, CGV thông báo tăng 1.000 won (20.600 đồng) và 2.000 won (41.000 đồng) so với mức giá vé cũ sau 13h các ngày. Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, số lượng vé bán ra trong tháng 9 thấp kỷ lục do người dân e sợ COVID-19 nên tránh xa nơi công cộng.
Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cho biết lượng khán giả đến rạp giảm 79,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tức còn 2,99 triệu người vào tháng 9. Đây là con số thấp nhất từ năm 2004 khi cơ quan này bắt đầu ghi nhận số liệu trên toàn quốc.
Trước đó, thị trường điện ảnh Hàn Quốc từng phục hồi vào tháng 7 nhờ COVID-19 bớt lan rộng. Các phim bom tấn, hành động như Bán đảo: Peninsula và Ác quỷ đối đầu đạt doanh thu lớn. Nhưng đến tháng 8, dịch bùng phát trở lại. Thị trường chỉ có dấu hiệu phục hồi cuối tháng 9, nhân kỳ nghỉ Tết Trung thu (Chuseok).
Chuỗi rạp số một và số hai thế giới lâm nguy
Hôm 20-10, Variety đưa tin AMC (Mỹ) - chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ và thế giới - cảnh báo rằng có thể họ phải nộp hồ sơ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ nếu không có thêm nguồn thanh khoản. Công ty cũng tiết lộ phải bán hơn 15 triệu cổ phiếu loại A.
Hôm 2-10, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard and Poors (S&P) cảnh báo AMC có nguy cơ vỡ nợ do đại dịch COVID-19.
AMC thiệt hại lớn vì thất bại của Tenet, các bom tấn lớn đồng loạt lùi lịch - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Đây là hậu quả của việc các hãng phim lớn trì hoãn phát hành phim bom tấn ở Bắc Mỹ sau thất bại của bom tấn Tenet hồi tháng 8. Phim chỉ thu về 52 triệu USD ở thị trường nội địa trong bảy tuần chiếu.
Vừa qua, đứng đầu phóng vé Bắc Mỹ là phim hành động giật gân Honest Thief của tài tử Liam Neeson nhưng cũng chỉ mở màn với 4,1 triệu USD. Các rạp chiếu đã mở lại cũng phải giảm thiểu thời gian hoạt động do vắng khách.
Có thông tin "No Time to Die" đang tìm đường phát hành trực tuyến với giá 600 triệu USD, nếu vậy các chuỗi rạp sẽ càng lâm nguy - Ảnh: MGM
Trong khi đó, Cineworld (Anh) - chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới - thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử 25 năm tồn tại. Hãng phải thuê đội ngũ cố vấn từ AlixPartners và PJT Partners để vượt qua thử thách này.
Cineworld có hơn 9.500 rạp chiếu tại 790 vùng ở 10 quốc gia châu Âu và Mỹ, nhưng đang hoạt động với công suất chưa đến 25%.
Áp lực càng trầm trọng khi các hãng phim lớn hoãn phát hành phim bom tấn như phim James Bond mới, No Time To Die. Phim từng định ra rạp tháng 11 nhưng đã hoãn đến tháng 4 năm sau.
Cineworld đang đối mặt với khoản nợ 8 tỉ USD - Ảnh: STANDARD
Hiện, Cineworld đang đối mặt với khoản nợ 8 tỉ USD, kết quả của một vụ thâu tóm để trở thành chuỗi rạp lớn thứ hai thế giới.
Vừa qua, Cineworld xác nhận đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim ở Anh (127 rạp Cineworld và Picturehouse) và Mỹ (536 rạp Regal), khiến khoảng 45.000 công nhân tạm thời thất nghiệp.
Việc đóng cửa sẽ diễn ra trong hai tháng hoặc lâu hơn. Cổ phiếu của công ty đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
TTO - Hôm 8-6, CJ CGV tuyên bố bán 25% cổ phần trong công ty con đầu tư bất động sản ở Việt Nam để cải thiện cấu trúc tài chính suy yếu sau COVID-19.
Xem thêm: mth.38582431172010202-tehc-ohc-yaoh-yaol-ioig-eht-mihp-par-cac-nah-o-par-03-gnod-vgc/nv.ertiout