"Mình làm vì cái tâm thì luôn thanh thản"
Từng là một chuyên gia trang điểm cho cô dâu rất "đắt show" nhưng hơn 1 năm nay, chị Đinh Thị Phương Loan (32 tuổi, quê quán tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) bén duyên với công việc làm đẹp cho người đã khuất.
Ít ai ngờ, công việc đòi hỏi một người có thần kinh thép này lại được một cô gái trẻ làm thuần thục và nó đến với cô như một cái duyên của nghề make up.
Kể về lý do rẽ ngang sang nghề mà không nhiều người dám làm, chị Loan cho biết, chị gái của một người bạn không may qua đời khi mới ngoài 30. Sau đám tang, bạn của Loan tâm sự rằng: "Lúc đó, gia đình muốn tìm một người trang điểm cho chị thật xinh xắn, để khi ngắm nhìn dung nhan chị ấy lúc tiễn biệt, chỉ nghĩ rằng chị đang chìm vào giấc ngủ, chứ không phải là sự mất mát nào đó".
Loan kể, câu nói của người bạn sau đám tang khiến chị trăn trở mãi. Nhiều đêm ngủ không ngon vì câu hỏi "tại sao không có ai làm việc đó?" cứ quanh quẩn mãi trong đầu người thợ trang điểm. Cho đến năm 2019, khi đến nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình, Loan đã quyết định gắn bó với công việc đặc biệt này.
"Lúc quyết định làm công việc này thì tự nhiên thấy mình thực sự thanh thản, đó giống như là sứ mệnh của mình vậy", Loan tâm sự.
Chị Đinh Thị Phương Loan. (Nguồn ảnh: Định Nguyễn)
Như thường lệ, chị Loan sẽ chuẩn bị bộ đồ trang điểm, găng tay, khẩu trang để bắt đầu công việc. Trước và sau khi trang điểm, chị luôn hành lễ vái 3 vái trước người đã khuất.
"Con xin phép cô/bác, ngày hôm nay cho con được làm đẹp cho bác để bác có khuân dung tươi tắn nhất, để bác đi về miền Tây Phương cực lạc", tôi tâm niệm trong đầu như vậy và bắt đầu trang điểm.
Với kinh nghiệm làm trang điểm trước đây, chị Loan không gặp nhiều khó khăn khi chọn được các loại mỹ phẩm phù hợp với màu da tái của người đã khuất. Đầu tiên, người thợ trang điểm cẩn thận lau tẩy trang cho khuôn mặt. Các quy trình tiếp theo sẽ là bôi kem dưỡng, rồi đến lớp lót, lớp nền, đánh tạo khối, đánh má hồng và trang điểm cho đôi môi.
Để giúp những người đã mất có khuân dung đẹp, Loan tỉ mỉ thực hiện từng thao tác. Trung bình, thời gian makeup khoảng 1 tiếng đồng hồ. Đối với phụ nữ, chị kẻ mày, gắn mi, gắn bông tay và chăm sóc phần tóc kỹ lưỡng. Móng tay, móng chân cũng được dũa nhẹ nhàng, sơn lại cho đẹp, với màu sắc phù hợp với lứa tuổi.
Mỗi lần trang điểm xong cho một người đã khuất, nhìn thấy gia đình của họ có thể an lòng hơn trong nỗi đau mất mát, Loan cảm thấy đã giúp được họ phần nào.
"Mình làm vì cái tâm thì sẽ thanh thản", chị Loan tâm sự.
Đến nay, Loan đã trang điểm cho hàng trăm người, với đủ độ tuổi khác nhau. Thay vì cảm giác "lạnh sống lưng" như mọi người thường nghĩ, cô kể rằng, có rất nhiều câu chuyện về những người đã khuất khiến đầy thương xót và ghi nhớ mãi.
"Có những người còn rất trẻ, như 1 cô bé 15 tuổi mà mình từng trang điểm. Thật sự cảm thấy nuối tiếc cho cô ấy vì đang ở độ tuổi vui chơi học hành mà phải nằm lại nơi lạnh lẽo", Loan nói.
Phương Loan đang giúp người đã khuất có khuân dung đẹp khi từ biệt thế gian. (Nguồn ảnh: Định Nguyễn)
"Người ngoài khi biết tôi làm nghề trang điểm tử thi thì khá kỳ thị"
Là việc làm yêu thích và tâm huyết nhưng Loan tâm sự, đến nay, cô vẫn giấu cha mẹ về công việc. Cô kể, tuy không cấm cản nhưng mẹ lo cô là phận nữ, sợ hơi lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và con gái sẽ không đủ vững vàng tâm lý khi tiếp xúc với những chuyện đau thương.
"Không chỉ vậy, người ngoài khi biết mình làm nghề trang điểm tử thi thì khá kỳ thị, đầu tiên là ánh mắt ngạc nhiên, sau đó là không còn được gần gũi như trước. Tuy nhiên, quan điểm của mình là để gia đình hiểu mình trước đã. May mắn là các em mình rất ủng hộ.
Còn về việc lấy chồng, nếu họ e ngại với công việc này thì họ sẽ không tiến đến với mình, và những người như vậy thì mình cũng không cần đâu. Vạn sự khởi đầu nan, khi chọn con đường này, mình nghĩ rằng sẽ phải có những áp lực.
Có thể ban đầu mọi người nhìn công việc này có phần nặng nề, nhưng theo thời gian chắc là mọi người sẽ có cái nhìn khác về công việc của mình", Loan hy vọng.
Hiện tại, Loan cũng đã có thêm những cộng sự là những bạn trẻ có chung tâm nguyện giúp người đã khuất có giấc ngủ ngàn thu đẹp, bình an. Số ca trang điểm cũng ổn định, với mức phí dao động từ 3,5 – 14 triệu đồng/ca. Cô gái trẻ chia sẻ, trong tương lai, cô sẽ có thể sang Đài Loan để học thêm, nâng cao tay nghề.
Trước Phương Loan, chàng trai Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1990) ở Hà Nội cũng chọn công việc khâm liệm hàng trăm xác chết và trang điểm cho không biết bao người đã khuất. Với những người thợ đặc biệt này, việc thay quần áo, trang điểm cho người đã khuất là một công việc làm đẹp cho đời.
Hoàng Linh
Báo Dân Sinh