Việc đầu tư cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng gặp nhiều khó khăn về tài chính trong thời gian qua - Ảnh: G.T
Trước đó, tuyến cao tốc BOT Hữu Nghị - Chi Lăng chạy qua các huyện Cao Lộc, TP Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, được giao cho Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đầu tư xây dựng bằng vốn tư nhân, có chiều dài 43,6km, quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 16m, tổng vốn đầu tư khoảng 7.609 tỉ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường tái định cư 781 tỉ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị 5.283 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn 540 tỉ đồng, chi phí dự phòng 777 tỉ đồng, lãi vay 227 tỉ đồng.
Nhưng do khó khăn về tài chính, Công ty CP tập đoàn Đèo Cả bỏ dở dự án. Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án theo hướng bổ sung vốn ngân sách đầu tư xây dựng.
Theo đề xuất mới nhất của tỉnh Lạng Sơn, để xây dựng dự án trong thời gian tới, nhà đầu tư BOT - Công ty CP tập đoàn Đèo Cả chỉ phải huy động 3.609 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ dự án 3.000 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 1.000 tỉ đồng.
Như vậy, nguồn vốn ngân sách đầu tư vào dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chiếm hơn 52% tổng vốn đầu tư dự án.
Nếu chủ trương điều chỉnh dự án được chính phủ thông qua, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được khởi động trở lại vào quý 1-2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đến nay, dự án đã hoàn thành bàn giao cọc mốc GPMB, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao cho nhà đầu tư 8,5km/43,6km mặt bằng tuyến cao tốc.
Việc hoàn thành tuyến cao tốc nối cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến Chi Lăng góp phần hoàn thiện trục cao tốc đường bộ Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, tạo kết nối vùng, rút ngắn thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu từ Việt Nam qua Trung Quốc.
TTO - Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 64km, kết hợp tăng cường 105km mặt đường QL1 với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng theo hình thức BOT.