Rau quả vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn kép
T.H
(TBKTSG Online) - Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt gần 11 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đến nay chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nhiều loại nông sản khác đã xuất được sang các thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng vẫn khó xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thanh long là một trong những nông sản chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, các quy định thị trường kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc đã được Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM sáng nay, 27-10. Hội thảo hướng đến việc hỗ trợ thông tin cho hoạt động xúc tiến thương mại trong xuất nhập khẩu rau quả đối với thị trường Trung Quốc.
Tiềm năng thương mại nông sản Việt Nam-Trung Quốc còn rất lớn nhưng chưa được phát huy hết. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 10,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, xuất siêu đạt 6,1 tỉ đô la.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam-Trung Quốc đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 9,8 tỉ đô la. Phần lớn mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, hàng rau quả giảm tới 25,9%.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 thế giới và đứng thứ nhì trong khối ASEAN. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu thế giới, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Mặc dù vậy, có một nghịch lý là nhiều chuỗi cung ứng trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dưa hấu... thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch đã xuất khẩu đi nhiều quốc qua có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Hàn Quốc... nhưng vẫn khó xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đến nay mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Trong khi đó, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi liên tục theo hướng thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác...
“Mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Do đó, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính"- ông Đặng Phúc Nguyên. |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn kép; trong đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ Trung Quốc khiến sức tiêu thụ của thị trường này giảm sút rõ rệt; cộng với việc thắt chặt chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu biên mậu khiến rau quả Việt Nam khó vào hơn trước đây rất nhiều.
Ông Lý Kiến Lương, Lãnh sự thương mại, Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM cho biết, theo phản hồi của phía hải quan Trung Quốc, vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gây ảnh hưởng đến tiến độ và kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Do đó, phía Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong việc phổ biến thông tin, cập nhật các quy định, chính sách nhập khẩu mới của Trung Quốc và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các điều kiện để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững.
Cục Trồng trọt cảnh báo dư thừa diện tích trồng bơ Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, diện tích trồng cây bơ đang tăng gấp nhiều lần so với ba năm trước. Đây là cây công nghiệp dài ngày, trồng ba năm mới thu hoạch và thu hoạch trong nhiều năm nên các địa phương phải có định hướng, không thể phát triển ồ ạt. Giống bơ của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn như kích thước, chất lượng... để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Đối với thị trường Trung Quốc, cây bơ chưa nằm trong lộ trình đàm phán mở cửa xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp, địa phương, nông dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi trồng cây bơ để tránh tồn đọng do không xuất khẩu được. |
Tổng hợp từ TTXVN
Xem thêm: lmth.pek-nahk-ohk-pag-couq-gnurt-gnourt-iht-oav-auq-uar/439903/nv.semitnogiaseht.www