Quản lý bền vững là chìa khóa bảo đảm lợi nhuận trong tương lai
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu ngày càng chú trọng tính bền vững trong các vấn đề môi trường, xã hội. Họ xem đó là chìa khóa để bảo đảm lợi nhuận trong tương lai khi ngày càng có nhiều khách hàng không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chính sách bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy họ chú trọng đến các mục tiêu xanh hơn. Nhiều doanh nghiệp đang gắn khoản thưởng của các CEO với thành tích quản lý bền vững.
Ilham Kadri, CEO Tập đoàn hóa chất Solvay. Ảnh: WSJ |
Đề cao sáng kiến bảo vệ môi trường
Ilham Kadri, 55 tuổi, CEO Tập đoàn hóa chất Solvay (Bỉ) nằm trong nhóm lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên toàn cầu xem việc xây dựng tính bền vững trong hoạt động kinh doanh đóng một vai trò lớn cho thành công trong tương lai. Tập đoàn này chuyên sản xuất các thành phần vật liệu sử dụng để sản xuất các sản phẩm từ pin lithium-ion cho đến các thiết bị cấy ghép y tế.
Kadri cho biết nếu Solvay không chú trọng tính bền vững, bà sẽ không đảm nhận ghế CEO của tập đoàn này vào năm ngoái. Trong ngày đầu tiên ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất của tập đoàn hóa chất có gần 150 tuổi đời này, Kadria cho biết bà đã bắt tay ngay vào việc thiết lập một lộ trình phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Các khoản thưởng của bà phụ thuộc vào thành công của lộ trình này, bao gồm dần loại bỏ sử dụng than và cắt giảm 25% lượng nước mà Solvay sử dụng vào năm 2030. Niềm tin về tính bền vững của bà đã được xây đắp từ thời thơ ấu. Bà cho biết sự lãng phí là điều xa xỉ khi bà còn là một bé gái lớn lên ở Morocco (Bắc Phi), nơi mà lúc đó các gia đình chưa có nước máy hay tủ lạnh. Nhiều thập kỷ sau đó, Kadri là một trong số ít phụ nữ da màu ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất của một doanh nghiệp lớn có quy mô toàn cầu.
Tập đoàn Solvay đứng ở vị trí thứ 52 trong danh sách 100 doanh nghiệp được quản lý bền vững nhất toàn cầu do các nhà phân tích doanh nghiệp của Wall Street Journal (WSJ) bình chọn mới đây. Tập đoàn này nhận được điểm số cao về chất lượng không khí, các biện pháp bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân viên, nhân quyền và quan hệ cộng đồng.
Để công bố danh sách xếp hạng bền vững này, các nhà phân tích của WSJ đã đánh giá và sàng lọc hơn 5.500 công ty đại chúng trên toàn cầu về vấn đề môi trường, xã hội và các yếu tố khác bằng cách sử dụng dữ liệu công bố sẵn của các doanh nghiệp này và phân tích hàng trăm ngàn bài báo về họ. Để được lọt vào danh sách này, một doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn công bố dữ liệu tối thiểu trong các hạng mục gồm môi trường, nơi làm việc, các vấn đề xã hội, sự sáng tạo và mô hình kinh doanh.
Bà Kadri, từng làm việc ở các dự án tái chế nước thải và khử muối ở Trung Đông, cho biết sử dụng ít nước hơn để sản xuất hóa chất sẽ giúp tiết kiệm tiền và giúp Solvay duy trì khả năng kiếm lợi nhuận trong tương lai.Kadri bày tỏ quan điểm: “Bền vững chính là lợi nhuận”.
Giới CEO trên toàn cầu ngày càng ủng hộ lập trường xem các thực hành về quản trị, xã hội và môi trường của một doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp đó trong dài hạn.
Theo cuộc khảo sát thường niên của hãng kiểm toán và tư vấn PwC, được thực hiện với hơn 1.500 CEO trên toàn cầu, 25% các CEO giờ đây nhất trí mạnh mẽ rằng đầu tư vào các sáng kiến bảo vệ khí hậu có thể tạo ra sản phẩm và dịch mới và quan trọng. Con số này cao hơn tỷ lệ 13% đồng tình với quan điểm trong cuộc khảo sát của PwC vào năm 2010.
Alan McGill, Giám đốc bộ phận bảo đảm bền vững toàn cầu của PwC, nói: “Đừng xem thường tác động từ quyết định của một CEO hay một doanh nghiệp lớn”.
‘Không thể vận hành doanh nghiệp trên một hành tinh chết’
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 và làn sóng biểu tình gần đây ở Mỹ để đấu tranh công lý chủng tộc cho người da màu đã thúc đẩy nhanh sự xoay trục chiến lược hướng vào tính bền vững ở nhiều doanh nghiệp sau khi cả hai vấn đề này làm bộc lộ rõ tình trạng bất đẳng trong nền kinh tế, Rebecca Henderson, giáo sư ở Trường Kinh doanh Harvard, nhận định.
Bà nói: “Cách đây 5 năm, cuộc tranh luận chủ yếu là thuyết phục các CEO quan tâm đến tính bền vững và đặt nó vào trọng tâm của hoạt động kinh doanh. Giờ đây, mọi CEO mà tôi tiếp xúc đều họ nhận thức rằng họ phải nên như thế”.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều con đường mới để kinh doanh, có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế và môi trường. Họ cho rằng các doanh nghiệp không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển động theo hướng bền vững.
Hồi tháng 6, Natura (Brazil), hãng mỹ phẩm lớm thứ 4 thế giới, đặt ra tầm nhìn bền vững trong 10 năm tới, bao gồm cam kết đưa khí thải carbon về mức zero ròng, bảo đảm ít nhất 30% thành viên ban lãnh đạo đến từ các nhóm có ít đại diện (phụ nữ, người da màu...) và bảo đảm tất cả vật liệu đóng gói đều có thể tái chế, tài sử dụng hoặc dễ dàng phân hủy.
Roberto Marques, CEO Natura, nói: “Chúng ta không thể vận hành một doanh nghiệp trên một hành tinh chết. Các doanh nghiệp và lãnh đạo không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung vào bền vững”.
Christian Klein, CEO hãng phần mềm doanh nghiệp SAP (Đức), nằm trong số các CEO có khoản thưởng phụ thuộc vào việc hoàn thành các mục tiêu xanh. SAP, đứng ở vị trí 67 trong danh sách 100 doanh nghiệp quản lý bền vững nhất toàn cầu của WSJ, đang đặt ra các mục tiêu xanh bao gồm đạt mức zero ròng về khí thải carbon vào năm 2025.
Klein cho biết cách đây vài năm, rất khó khăn để thuyết phục các cổ đông của SAP tin rằng quản lý bền vững sẽ dẫn đến lợi nhuận.
Ông nói: “ Giờ đây, vấn đề này không còn gây tranh cãi nữa”. Ông cho biết thêm thế giới doanh nghiệp đang nhận ra rằng trong tương lai, khách hàng sẽ không chỉ quan tâm về giá cả mà còn chú ý đến công ty nào đang dẫn đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội.
Vẫn còn khoảng cách giữa lời nói và hành động
Công ty Schneider Electric (Pháp), nhà cung cấp các giải pháp số hóa và quản lý năng lượng bền vững đã chuyển dịch sang con đường phát triển bền vững kể từ khi ông Jean-Pascal Tricoire lên nắm ghế chủ tịch kiêm CEO của hãng này cách đây 14 năm. Tricoire nói: “Doanh nghiệp của bạn phải đi theo xu hướng chủ lưu. Nếu chống lại tính bền vững, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại”.
Schneider Electric là một trong những doanh nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ hướng đến các mục tiêu xanh. Trong báo cáo của công bố hồi tháng 5, Ngân hàng Credit Suisse cho biết Schneider Electric là một trong 15 doanh nghiệp ở châu Âu thu hút vốn nhiều nhất từ 109 quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp chú trọng các vấn đề xã hội, môi trường và quản trị (ESG) mà ngân hàng này theo dõi.
Schneider Electric, đứng thứ 85 trong danh sách bền vững của WSJ, bắt đầu thiết lập các mục tiêu bền vững từ năm 2005 và chúng được làm mới ba năm mỗi lần và được xem là một trong những tiêu chí để xét thưởng cho ban lãnh đạo.
“Vào lúc ấy, đó là một cuộc vận động rất đơn độc trong ngành công nghiệp của chúng tôi”, Tricoire nói. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa lời nói và hành động trong việc tuyển dụng các CEO và lãnh đạo cao cấp khác dựa vào kinh nghiệm của họ về quản trị bền vững.
Năm ngoái, khoảng 15% trong 4.000 vị trí lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao được tuyển dụng có đề cập đến bền vững nhưng chỉ 4% trong số đó đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm thực sự về vấn đề này, theo báo cáo của Hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc và Công ty tư vấn tuyển dụng lãnh đạo doanh nghiệp Russell Reynolds Associates.
Báo cáo nhận định: “Các doanh nghiệp đang làm tốt khi biến các cuộc thảo luận về bền vững thành các mô tả chi tiết về công ty của họ nhưng vẫn làm chưa đủ trong việc thúc đẩy quyết định về việc tuyển dụng lãnh đạo dựa trên kinh nghiêm quản lý bền vững”. Clarke Murphy, CEO Russell Reynolds Associates, kỳ vọng vấn đề này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực trong những năm tới.
Theo Wall Street Journal, CNBC
Xem thêm: lmth.ial-gnout-gnort-nauhn-iol-mad-oab-aohk-aihc-al-gnuv-neb-yl-nauq/839903/nv.semitnogiaseht.www