Một công ty hay đoàn thể đều là tập hợp của rất nhiều người đến từ khắp mọi nơi. Là người lãnh đạo, bạn đã bao giờ thử nghĩ: Những con người với tính cách, phẩm chất khác nhau tại sao lại quy tụ xung quanh bạn, nghe theo sự chỉ đạo của bạn, làm việc cho bạn chưa?
Tục ngữ có câu: "Đốt cây phải đốt gốc, quản người phải quản từ tâm". Người lãnh đạo phải nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng cùng nhu cầu của cấp dưới và giúp họ cảm thấy thỏa mãn thì mới có thể khiến họ tin tưởng. Những nguyện vọng và nhu cầu đó là:
Làm cùng một việc, nhận cùng mức thù lao
Đa số nhân viên đều hi vọng công việc của họ có thể nhận được sự đền đáp xứng đáng, ví dụ: Công việc như nhau phải được nhận thù lao như nhau. Cấp dưới sẽ tỏ ra không bằng lòng khi thấy người khác làm công việc y như họ mà được trả nhiều tiền hơn. Họ mong muốn thu nhập của bản thân phù hợp với mức thang chung. Xa rời các nguyên tắc chuẩn mực này khiến nhân viên không khỏi nghĩ ngợi, có thể làm cho họ nảy sinh tâm lý bất mãn.
Được xem như một "người quan trọng"
Cấp dưới mong muốn bản thân được coi trọng trong mắt cấp trên và đồng nghiệp. Họ hi vọng thành tích làm việc xuất sắc của họ nhận được sự thừa nhận của tập thể. Cấp trên động viên vài câu, vỗ vai hoặc tăng lương cho họ, đều có thể đáp ứng nhu cầu này.
Từng bước tiến tới cơ hội thăng chức
Cấp dưới luôn mong muốn có cơ hội thăng chức trong công việc. Không ngừng phát triển là một nhu cầu tất yếu và vô cùng quan trọng. Những công việc không nhìn thấy tiền đồ dễ khiến cấp dưới bất mãn, sau cùng có thể dẫn đến việc họ từ chức.
Được làm công việc thú vị ở một nơi dễ chịu
Cấp dưới thường xếp điều này phía trên rất nhiều yếu tố khác. Họ hi vọng có được một môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ, thoải mái. Nhưng nếu họ không có hứng thú với công việc, thì dù nơi làm việc thoải mái cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đương nhiên, những công việc khác nhau đối với những người khác nhau có sức hấp dẫn khác nhau. Cùng một món ăn nhưng đối với người này là món ngon, còn đối với người khác lại dở tệ. Vì vậy, lãnh đạo nên suy nghĩ kĩ càng và nghiêm túc trong việc chọn lựa và sắp xếp công việc cho cấp dưới.
Được "đại gia đình" đón nhận
Cấp dưới rất mong có sự công nhận của cấp trên và đồng nghiệp. Nếu nhu cầu đó không được đáp ứng, họ có khả năng sa sút về mặt tinh thần, làm việc kém, hậu quả là một phần hoặc thậm chí toàn bộ quy trình công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cấp dưới không chỉ mong muốn bản thân gắn bó với tập thể công ty, là một thành viên trong đó, mà họ còn muốn có được cảm giác mình cũng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, là một người quản lý.
Cấp dưới đều mong muốn cấp trên khen ngợi họ, cùng họ trao đổi công việc, cùng thảo luận những thay đổi có thể xảy ra hoặc đề ra phương pháp mới cho công việc, được trực tiếp nhận thông tin từ phía lãnh đạo, chứ không phải thông qua bất cứ kênh "hành lang" nào khác. Việc này sẽ tạo cho cấp dưới cảm thấy họ là một thành viên quan trọng của công ty, cảm nhận được sự tín nhiệm mà cấp trên dành cho họ.
Lãnh đạo đừng là "kẻ ăn hại"
Cấp dưới cần cấp trên tin tưởng. Họ bằng lòng làm việc cho người hiểu chức trách của họ, có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và hành xử công bằng, vô tư, chứ không mong muốn gặp phải một "kẻ ăn hại" làm lãnh đạo của họ.
Mức độ coi trọng những nhu cầu và nguyện vọng này đối với mỗi cá nhân có sự khác nhau. Là người lãnh đạo, bạn nên nhận thức được những nhu cầu cá nhân này, cũng như mức độ coi trọng của cấp dưới về những nhu cầu đó. Đối với nhân viên này, cơ hội thăng tiến là quan trọng nhất, nhưng đối với nhân viên khác, điều kiện và môi trường làm việc là ưu tiên hàng đầu.
Phân biệt nhu cầu của người khác không phải là việc dễ dàng, vì thế người lãnh đạo nên tìm hiểu kĩ. Cấp dưới của bạn ngoài miệng nói muốn cái này nhưng trên thực tế điều họ muốn lại hoàn toàn khác. Ví dụ, họ có thể than thở rằng không hài lòng với tiền lương, nhưng nhu cầu thực sự của họ lại là muốn nhận được sự thừa nhận của các đồng nghiệp khác. Để giải quyết tốt mối quan hệ nơi công sở, bạn nên tìm hiểu những nhu cầu này và nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cấp dưới. Những lãnh đạo biết nỗ lực vì điều này thường có mối quan hệ tốt đẹp với cấp dưới, trên dưới một lòng, giúp công việc được vận hành một cách trơn tru, hiệu quả.
PV
Theo Nhịp Sống Kinh Tế