Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 9 rất nguy hiểm, mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, dự kiến đổ bộ Trung và Nam Trung bộ vào sáng đến trưa ngày 28-10. Bão số 9 mạnh ngang cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, mạnh hơn nhiều so với đão Damrey vào Khánh Hòa năm 2017.
1 giờ sáng ngày 28-10, Tòa nhà của Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia (số 8 phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) vẫn sáng đèn. Tầng 12 của tòa nhà là Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, bên trong, hàng chục cán bộ, nhân viên khí tượng vẫn đang tập trung theo dõi, phân tích về cơn bão số 9.
2 giờ sáng ngày 28-10, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia bắt đầu lên sóng Đài truyền hình Việt Nam để thông tin về diễn biến của bão số 9 trong 1 giờ vừa qua cũng như nhận định về diễn biến của bão những giờ sắp tới.
"Người ta cứ nghĩ làm hành chính 8 tiếng về nhà"
Cũng tham gia vào đêm trực này, chị Nguyễn Thị Thanh Bình, dự báo viên Phòng Dự báo số viễn thám, dường như đã quá quen với mỗi đêm thức trắng khi có bão đổ bộ.
Đêm trắng ở Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia ngày dự kiến bão số 9 đổ bộ. Ảnh chụp lúc 1 giờ sáng ngày 28-10. Ảnh: AN HIỀN
“Bình thường người ta vẫn nghĩ làm cơ quan nhà nước là làm hành chính 8 tiếng về nhà, nhưng với dự báo viên chúng tôi thì không kể ngày đêm. Như các bạn thấy đấy, thời điểm hiện giờ chúng tôi đang nói chuyện với các bạn là đang thời khắc chuyển giao sang ngày mới. Ngày hôm qua tôi đã làm việc ban ngày, sau đó về nhà, đến 19 giờ 30 tôi có mặt tại cơ quan và sẽ thức suốt đêm cùng cơn bão để theo dõi” – chị Bình chia sẻ.
Theo chia sẻ của chị Bình, mỗi cơn bão người dân chỉ chú ý đến quá trình tác động của bão đến ven biển, đất liền thế nhưng với dự báo viên thời tiết thì chịu áp lực từ khi cơn bão chưa vào Biển Đông. Đến khi bão vào Biển Đông vẫn tiếp tục theo dõi bão suốt một chặng đường. “Vậy nên với công việc của dự báo viên không phải chỉ căng thẳng khi bão vào đất liền mà căng thẳng ngay từ những diễn biến đầu tiên. Bởi vì những dự báo sớm đưa ra càng chính xác thì hiệu quả phòng chống thiên tai càng tốt” - chị Bình nói.
Trên các trang website của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cứ vài tiếng lại có bản cập nhật mới về diễn biến của cơn bão, chưa kể những tin nhanh. Tuy nhiên, để có bản tin đó thì cứ 10 phút, các nhân viên khí tượng lại phải cập nhật ảnh mây vệ tinh, ảnh rada và một loạt mạng rada quét… để xem cơn bão di chuyển như thế nào, thay đổi cường độ ra sao. Bởi vì càng gần bờ thì mỗi một thay đổi nhỏ của cơn bão cũng rất quan trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Dự báo viên Phòng Dự báo số viễn thám đã quá quen với những đêm trắng như thế này. Ảnh chụp lúc 1 giờ sáng ngày 28-10. Ảnh: AN HIỀN
“Cứ theo dõi 10 phút/lần như vậy thì 1 tiếng chúng tôi phải ra một bản tin nhanh về cơn bão, sau 2-3 tiếng chúng tôi lại họp nhóm và ra một bản tin chính thức về cơn bão. Tất cả cuối cùng chỉ mong làm sao để thiệt hại ít nhất” – chị Bình cho biết.
30 phút phát tin một lần
Anh Nguyễn Hữu Thành, Dự báo viên Phòng Dự báo thời tiết, nơi đưa ra các bản tin dự báo thời tiết từ 1-10 ngày cho tất cả các khu vực trên cả nước. Công việc của anh Thành cũng như chị Bình, chia làm ca ngày, ca đêm và đêm nay là ca trực của anh.
“Mỗi người một nhiệm vụ, đây là đầu não tổng hợp số liệu, dựa trên cơ sở dữ liệu đưa ra các dự báo. Địa phương sẽ có những đài/trạm đặt các đầu đo để thực hiện quá trình quan trắc và phát báo về trung tâm khí tượng quốc gia” – anh Thành cho biết.
Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện có 1719 trạm/điểm đo trên toàn quốc. Trong đó, riêng giai đoạn 2010-2020, mạng lưới trạm đã đầu tư, phát triển 735 trạm/công trình/phương tiện đo khí tượng thủy văn.
Hàng ngày các trạm khí tượng chỉ phát 3-6 tiếng/lần, nhưng khi bão chuẩn bị đổ bộ thì phải phát tin 30 phút/lần. Việc quan trắc liên tục như vậy để xem mức độ ảnh hưởng của bão trên đất liền.
Giám đốc cũng thức trắng đêm
2 giờ 15 phút sáng ngày 28-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục tham vấn, trao đổi nghiệp vụ với các dự báo viên của từng vị trí khác nhau để thống nhất các khả năng nhận định cho bản tin bão khẩn cấp của cơn bão số 9, phát lúc 2 giờ 30 phút.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia trao đổi với các dự báo viên. Ảnh: AN HIỀN
Để ra được bản tin này, ông Khiêm sẽ phải trao đổi với các dự báo viên của Đài Khí tượng Cao không tìm hiểu về thông số của rada thời tiết, làm việc với dự báo viên của Phòng Số trị viễn thám để thống nhất các thông tin phân tích ảnh mây vệ tinh, xác định độ dày mây, tâm bão...; trao đổi với các tổ trưởng và trưởng phòng. Qúa trình trao đổi diễn ra liên tục vì các bản tin diễn ra liên tục, 1 tiếng/1 bản tin nhanh, 3 giờ/1 bản tin bão khẩn cấp.
Anh Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ hôm nay cũng trong ca trực đêm đang theo dõi tình hình bão, mưa, mực nước và ra các bản tin dự báo lũ ở các vị trí trên các tuyến sông thuộc khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Đây là vùng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9.
Còn anh Nguyễn Văn Khoa, phòng Cơ sở dữ liệu thuộc Trung tâm Thông tin Dữ liệu Khí tượng thủy văn đang tập trung đảm bảo đường truyền thông suốt, đảm bảo sự liên tục của hệ thống trạm quan trắc tự động, trạm quan trắc mặt đất để phục vụ số liệu cho công tác dự báo và cảnh báo thiên tai.
Cuộc họp lúc nửa đêm tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn. Ảnh: AN HIỀN
Chị Hoàng Hoài Linh, chị Lê Thu Hạnh cũng trong ca trực đêm nay, thay phiên nhau theo dõi và hỗ trợ thông tin truyền thông trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong các tình huống thiên tai khẩn cấp, nhằm đảm bảo cung cấp thông tin chuyên ngành của khí tượng thủy văn đến người dân, cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông... một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Mỗi người một việc, một hoàn cảnh nhưng trên tất cả là trách nhiệm nghề nghiệp, những cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và hàng trăm cán bộ, nhân viên khí tượng thủy văn nơi bão số 9 đang chuẩn bị đổ bộ vẫn đang thức trắng đêm, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo bão nhanh nhất, chính xác nhất để người dân, cơ quan chức năng chủ động ứng phó với bão số 9.
“Hết ca trực về nhà rồi nhưng với những dự báo viên vẫn chưa thể thoải mái. Bởi chúng tôi còn phải xem là diễn biến bão thế nào, báo chí đưa thiệt hại ra sao, những thiên tai, dự báo xảy ra có sát với thông tin mình đưa hay không hay là mình phải xem xét lại và nghiên cứu thêm. Do đó là ca trực của dự báo viên dài đến khi chúng tôi giao ca đi về và nó còn chiếm tâm trí của chúng tôi cả những thời gian sau đó” - chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Dự báo viên Phòng Dự báo số viễn thám chia sẻ.