Những hình ảnh của nhà làm phim tài liệu khoa học David Attenborough
Cuối cùng, sau một cuộc đời khám phá thế giới sinh vật, tôi chắc chắn một điều: hành động không phải là để cứu hành tinh của chúng ta mà là để bảo vệ chính chúng ta. Sự thật là dù chúng ta có tồn tại hay không, thế giới tự nhiên vẫn sẽ tái tạo.
David Attenborough
Nhà làm phim tài liệu khoa học David Attenborough đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi tiêu cực về thế giới tự nhiên suốt cả cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của ông.
Bộ phim tài liệu này là câu chuyện về cách mà con người tạo ra những sai lầm lớn nhất. Và nếu con người hành động kịp thời ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể sửa sai.
Sự thiệt hại chóng mặt của thế giới tự nhiên
Biển duyên hải lấp lánh, những cánh rừng bạt ngàn, vùng đồng cỏ mênh mông... Nhiều dấu ấn của sự hoang dã giờ chỉ có thể nhìn thấy trong các thước phim cũ.
Bộ phim dài 83 phút sử dụng những tư liệu về sự đa dạng sinh học tuyệt đẹp và quý giá từ thập niên 1950, 1960 cho đến những hình ảnh suy tàn của hiện tại.
David Attenborough cho rằng "thế giới nơi ông lớn lên" đã bị phá hủy
Phim đưa ra những biểu đồ để thể hiện sự thiệt hại chóng mặt của thế giới tự nhiên, qua các chỉ số hiển thị dân số, mức carbon và tỉ lệ phần trăm vùng hoang dã trong nhiều thập niên.
Chúng ta chỉ cần nhìn hai biểu đồ xa nhất và gần nhất để thấy được sự thay đổi khủng khiếp đó: Vào năm 1937, dân số toàn cầu là 2,3 tỉ người; tỉ lệ carbon trong khí quyển là 280 parts/1 triệu (PPM) và vùng hoang dã còn lại là 66%.
Đến năm 2020, dân số thế giới tăng lên 7,8 tỉ người, tỉ lệ carbon trong khí quyển tăng lên 415 PPM và vùng hoang dã còn lại chỉ 35%.
Một trong những thay đổi lớn nhất là độ phủ xanh của rừng ngày càng thu hẹp lại. "Con người có động cơ kép để đốn rừng: người ta hưởng lợi từ gỗ, sau đó hưởng lợi từ việc canh tác đất đai bị bỏ lại.
Đó là lý do mà con người đã đốn hơn 3.000 tỉ cây rừng khắp thế giới. Một nửa rừng nhiệt đới trên thế giới bị đốn sạch".
Bộ phim có nhiều cảnh khiến khán giả rơi nước mắt
Không chỉ rừng, hệ sinh thái nguyên sơ và xa xôi nhất - cực Bắc và Nam của Trái đất - cũng đang hướng đến thảm họa. Nhiệt độ trung bình hiện nay trên toàn cầu ấm hơn 1oC so với lúc ông mới sinh ra.
Hành tinh đang cạn kiệt băng. Cuộc tấn công mù quáng của chúng ta cuối cùng đã thay đổi những quy tắc cơ bản của thế giới sinh vật. Mỗi năm con người đốn hơn 15 tỉ cây, đánh bắt cạn kiệt nguồn thủy hải sản.
Bằng cách xây đập và làm ô nhiễm, khai thác quá mức sông hồ, con người đã giảm thiểu lượng nước ngọt xuống hơn 80%. Và còn nhiều nữa những con số gây giật mình khác mà bộ phim đưa ra.
Những hình ảnh của nhà làm phim tài liệu khoa học David Attenborough
Một tương lai đầy thảm họa
Một tương lai đầy thảm họa do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, mưa bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng... là điều mà ông nhìn ra được.
Bắc cực sẽ không còn băng vào mùa hè, và nếu không còn chỏm băng trắng, năng lượng mặt trời sẽ ít phản xạ lại không gian và tốc độ ấm lên toàn cầu cũng tăng nhanh.
Dự kiến vào những năm 2040, ở khắp phía Bắc, đất đóng băng sẽ tan chảy ra, giải phóng khí metan, một loại khí nhà kính mạnh hơn carbonic gấp nhiều lần, sẽ đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.
Và vào những năm 2050, khi đại dương tiếp tục nóng lên và mang tính axit nhiều hơn, các rạn san hô khắp đại dương sẽ chết, số lượng cá sẽ cạn kiệt.
Trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Pháp năm 2018, David Attenborough từng phát biểu:
"Ngay bây giờ, chúng ta đang đối mặt với thảm họa nhân tạo có quy mô toàn cầu - mối đe dọa lớn nhất của ta trong hàng ngàn năm. Nếu ta không hành động, sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại và sự tuyệt chủng của thế giới tự nhiên sẽ sớm xảy đến thôi".
David Attenborough: A Life on Our Planet được trang NME đánh giá là "bộ phim quan trọng nhất năm"
Như những bộ phim tài liệu tuyệt vời trước đây, David Attenborough vẫn hướng đến tính giải pháp để thay đổi nhận thức con người.
Bằng giọng dẫn chuyện minh triết mà ấm áp, ông kết luận: Thiên nhiên luôn là đồng minh và là nguồn cảm hứng lớn nhất của con người.
Chúng ta chỉ phải làm điều mà thiên nhiên luôn làm. Nó đã tìm ra bí mật cuộc sống từ lâu rồi: Một loài chỉ phát triển khi những giống loài khác cùng phát triển. Nếu chúng ta chăm lo cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ chăm lo lại cho ta.
Nếu ta có thể thay đổi cách ta sống, quản lý ảnh hưởng của chúng ta, và trở thành một giống loài sống hài hòa với thiên nhiên, một tương lai khác sẽ hiện ra trong tầm mắt.
David Attenborough coi bộ phim là "bản tuyên bố nhân chứng" của mình. Còn chúng ta nghĩ gì khi ông đưa ra những cảnh báo và tầm nhìn tương lai đó nếu không thay đổi?
Cuối cùng thiên nhiên vẫn chiến thắng
Minh chứng cho điều kỳ diệu của tự nhiên, sau cảnh quay mở đầu phim tại thành phố đổ nát Chernobyl ở Ukraine vì vụ nổ hạt nhân, David Attenborough dẫn dắt người xem quay lại để chứng kiến sự thay đổi ở đây trong phần kết phim.
30 năm kể từ vụ sơ tán Chernobyl, hoang dã đã giành lại không gian. Ngày nay, rừng đã mọc lan đến thành phố bị bỏ hoang lâu năm. Đây là nơi trú ẩn cho động vật hoang dã thuộc loại hiếm ở nơi khác. "Cuối cùng, thiên nhiên vẫn chiến thắng".
TTO - Kể lại mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên hoang dã, Honeyland là bộ phim tài liệu tuyệt vời làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar.