Financial Times trích dẫn số liệu từ Dự án Bầu cử Mỹ (UEP), tính đến ngày tối ngày 27/10 (giờ Việt Nam) đã có hơn 66 triệu người Mỹ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống. Con số này cho thấy số lượng lớn cử tri vẫn bỏ phiếu bất chấp mối lo ngại rằng dịch Covid-19 sẽ làm giảm số lượng người tham gia.
Theo số liệu từ UEP, 66,4 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu tính đến tối ngày hôm qua, bằng hình thức gửi lá phiếu qua thư hoặc đến trực tiếp địa điểm bỏ phiếu sớm. Theo đó, có thể thấy, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm đã tăng thêm 8 triệu so với năm 2016. Ước tính trước đó của UEP cho thấy, số lượng người Mỹ đi bỏ phiếu có thể lên tới mức kỷ lục khoảng 150 triệu, tương đương 65% tổng số cử tri hợp lệ - con số cao nhất kể từ năm 1908.
Trong bối cảnh chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày bầu cử, số phiếu bầu sớm ở một số bang thậm chí còn đang chuẩn bị vượt qua tổng số phiếu bầu vào 4 năm trước. Ví dụ, bang Texas đã ghi nhận 7,8 triệu người đi bầu, tương đương gần 87% tổng số phiếu bầu tại cuộc bầu cử cách đây 4 năm.
Theo Dave Wasserman – biên tập viên báo Cook Political Report, cuộc bỏ phiếu sớm tại 3 hạt của Texas là Denton, Williamsson và Hays đã vượt qua tổng số phiếu bầu năm 2016. Trong khi đó, Michael McDonald – điều hành UEP, cho hay: "Có nhiều mối lo ngại về khả năng của giới chức khi tiến hành cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch vẫn lây lan. Người dân không chỉ là đang bầu cử, họ đang đi bỏ phiếu trong 1 thời gian dài. Do đó, khối lượng công việc của giới chức đang được phân tán."
Số lượng người đi bầu cử sớm tăng vọt diễn ra sau khi quan chức ở nhiều bang cho phép thực hiện cách thức bỏ phiếu dễ dàng hơn trước ngày bầu cử. Nguyên nhân là do việc tập trung đông người tại một điểm bỏ phiếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh. Dẫu vậy, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự hăng hái của cử tri trước cuộc bầu cử giữa Tổng thống Trump và ông Joe Biden – được miêu tả là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ.
Hiện tại, theo phân tích của Financial Times về mức điểm trung bình trong cuộc thăm dò của RealClearPolitics, ông Biden đang dẫn đầu với 8,5 điểm và đứng ở vị trí cao hơn tại hầu hết các bang chiến trường, dù mức chênh lệch không cao. Wasserman cho hay: "Chúng tôi đang hướng đến một cuộc bầu cử đầy rủi ro và cử tri của cả 2 đảng đều tham gia, có động lực để bỏ phiếu."
Ngoài ra, số lượng người đi bỏ phiếu sớm đạt mức kỷ lục là một phần trong sự nỗ lực của các nhóm hoạt động người dân, tại các bang và 2 đảng chính trị - vốn đã đổ hàng triệu USD vào việc vận động cử tri trong năm nay.
Trước đó, đảng Dân chủ đã khuyến khích người Mỹ bỏ phiếu sớm nhất có thể qua đường bưu điện hoặc trực tiếp, do đại dịch là yếu tố không thể dự đoán trước và lo ngại về hàng dài người xếp hàng trong ngày bầu cử. Đảng Cộng hòa cũng kêu gọi cử tri bỏ phiếu sớm, thông điệp này gặp trở ngại bởi những lời phản đối liên tiếp của ông Trump về việc bỏ phiếu qua thư.
Theo phân tích của công ty dữ liệu TargetSmart, các phương pháp tiếp cận khác nhau của các đảng đối với phiếu gửi qua thư đã khiến việc đảng Dân chủ bị dẫn trước. Thống kê này cho thấy, tính đến ngày 26/10, tỷ lệ bầu cho ông Joe Biden là 49,4%, trong khi ông Trump là 40,8%.
Geoff Garrin – chuyên gia thăm dò ý kiến đảng Dân chủ, lưu ý rằng số liệu của TargetSmart cho thấy số cử tri mới cũng tăng mạnh mẽ, trong khi số này không tham gia bầu cử vào năm 2016. Ông nói: "Đã có hơn 14 triệu cử tri không bỏ phiếu vào năm 2016 tham gia cuộc bầu cử năm nay. Chúng tôi đang xem xét sự mở rộng về quy mô và số liệu đến nay cho thấy sự mở rộng này đang mang lại lợi thế cho ông Joe Biden."
Đảng Dân chủ kỳ vọng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn vào năm 2020 có thể giúp họ tập hợp lại "liên minh Obama" – từng giúp họ bước chân vào Nhà Trắng vào năm 2008 và 2012. Vào năm 2016, chỉ 55% trong độ tuổi đi bỏ phiếu, trong khi năm 2008 là 57,1%.
Larry Sabato – giám đốc Trung tâm Chính trị Đại học Virginia, cho hay: "Những người bỏ phiếu sớm này hầu hết ủng hộ đảng Dân chủ ở nhiều bang quan trọng, bởi họ lo ngại rằng ông Trump sẽ tìm đủ mọi cách để không kiểm phiếu của họ. Dù bỏ phiếu sớm mang lại tin tốt lành cho đảng Dân chủ, nhưng vẫn không cho thấy rằng đảng Dân chủ sẽ giành lợi thế bởi đảng Cộng hòa có thể sẽ chứng kiến lượng bầu cử tăng vọt vào ngày Bầu cử."
Whit Ayres – chiến lược gia đảng Cộng hòa, cũng cho biết số liệu sớm cũng chưa thể cung cấp nhiều thông tin chi tiết, ngoài thực tế là Mỹ đang chứng kiến số lượng cử tri đi bầu đạt mức cao kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông nói thêm: "Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đang bỏ phiếu sớm qua thư và người ủng hộ Cộng hòa có khả năng sẽ bỏ phiếu trực tiếp trong ngày Bầu cử. Do đó, số liệu sớm không thể khẳng định cuộc bầu cử sẽ có kết quả như thế nào."
Trong khi đó, số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm gia tăng có thể khiến việc xác định người chiến thắng bị chậm trễ. Một số bang, bao gồm các bang chiến trước như Pennsylvania và Wisconsin, sẽ chưa kiểm phiếu qua thư cho đến ngày bầu cử. Có nghĩa là, quá trình đưa ra kết quả có thể kéo dài trong vài ngày.
Tham khảo Financial Times