Nga áp dụng chính sách bắt buộc đeo khẩu trang ở tất cả các nơi công cộng đông người trên cả nước - Ảnh: BBC
Bác sĩ Harris cho biết: "Các phòng chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện hiện nay đang đầy bệnh nhân nặng". Xu hướng tăng nhanh về số ca tử vong cũng xuất hiện ở các nước khác như Ý, Áo, Bỉ.
Trên chương trình Thế giới của BBC, bác sĩ Harris xác nhận toàn châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng dữ dội và thực sự đáng báo động về số ca mắc và tử vong do COVID-19.
Số liệu cho thấy số ca nhiễm mới hằng ngày tăng 1/3 so với tuần trước đó và số ca tử vong hằng ngày tăng gần 40%. Mặc dù năng lực quản lý của bệnh viện đã tốt hơn, nhưng số bệnh nhân mới vẫn đang nhanh chóng lấp đầy các bệnh viện ở nhiều nước.
Bác sĩ Harris cũng cho biết hiệu quả của các biện pháp hạn chế mới được áp dụng ở nhiều quốc gia châu Âu như thế nào chỉ có thể khẳng định sau hai tuần, do "độ trễ" của việc phân tích số liệu.
Theo nhận định của bà Harris, các trường hợp mắc bệnh sẽ giảm nhưng sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều và dịch bệnh hiện nay là một kiểu đỉnh dịch khác.
“Có thể sẽ không có sự gia tăng khủng khiếp về số người chết như đã xảy ra hồi tháng 4-2020”, bác sĩ Harris nói và giải thích các bệnh viện hiện nay đã có hiểu biết tốt hơn rất nhiều về tình hình đang diễn ra và số lượng rất lớn các ca nhiễm mới hiện nay là ở người trẻ tuổi.
Về lý thuyết, các bệnh nhân thuộc nhóm này sẽ ít diễn tiến thành bệnh nặng, dù điều này không đảm bảo 100%.
Tại một cuộc họp nội bộ mới đây, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhận định có thể chỉ một bộ phận dân số của EU được tiêm vắc xin ngừa virus corona chủng mới một khi vắc xin được cấp phép.
Theo CNBC, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết trong cuộc họp kín ngày 26-10 khẳng định sẽ không có đủ liều vắc xin COVID-19 cho toàn bộ người dân trước thời điểm kết thúc năm 2021.
Cảnh báo trên được đưa ra dù khối 27 quốc gia thành viên với dân số 450 triệu người này đã mua được hơn 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 tiềm năng từ ba nhà sản xuất và đang đàm phán đặt thêm hàng tỉ liều với các công ty khác.
Do cuộc cạnh tranh toàn cầu để đảm bảo có vắc xin đang tăng lên, các chuyên gia cảnh báo không phải mọi loại vắc xin tiềm năng hiện nay đều về đích và được chứng minh hiệu quả.
TTO - Sau một giai đoạn tưởng đã yên ổn với dịch bệnh, những ngày qua Ý, Tây Ban Nha, Pháp lại đang đối mặt với sự trỗi dậy đáng lo ngại của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai.