Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM, kiều hối chuyển về địa bàn TPHCM thông qua hệ thống ngân hàng, thương mại, các tổ chức kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Dự ước đến cuối năm 2020, lượng kiều hối chuyển về TPHCM sẽ đạt 5,5 tỷ USD (tăng 0,82%).
Cơ hội mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là rất lớn và TPHCM xác định, châu Âu là thị trường lớn cho các doanh nghiệp (DN).
Ông Lê Thanh Liêm (thứ 2 từ phải sang), Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM trao đổi với doanh nhân, kiều bào bên lề hội nghị |
Là DN xuất khẩu cà phê hòa tan vào 5 nước, ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO Meet More, cho biết DN đang được giảm thuế từ 15% xuống còn 5%. Sai lầm là nhiều DN Việt Nam (VN) cứ sợ xuất khẩu sản phẩm (SP) sang thị trường Châu Âu vì nghĩ rằng thị trường này rất khó tính . Nếu chịu tìm tòi sẽ có rất nhiều cơ hội tại EU. Chẳng hạn, theo quy định, SP có thành phần sữa khó vào EU thời điểm này, tuy nhiên DN chú trọng sản xuất cà phê hạt và cà phê kết hợp nông sản VN (dừa, xoài, khoai môn, trái nhàu, bạc hà, mít....) không bị vướng ngại.
Người tiêu dùng (NTD) EU rất thích SP cà phê gu (sở thích) nhẹ, có thêm dinh dưỡng từ các loại củ, quả khác. Cà phê hòa tan cùng chủng loại, giá bán trong nước 60.000 đồng/hộp 270 gr nhưng xuất khẩu sang EU giá 300.000 đồng vẫn bán rất tốt. Hiện một nhà phân phối lớn ở Ý đề nghị phân phối độc quyền SP cho toàn EU giữ nguyên thương hiệu Việt Nam.
“Tín hiệu vui là thị trường Châu Âu đang rất thích SP “made in VN”, họ không thích SP “made in China” nữa; SP nông sản VN sau chế biến càng được chuộng, đây là lợi thế, cơ hội cho các DN VN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này”, ông Luận nói.
Trước nay, nông sản trong nước chỉ xuất sang TQ dạng thô và được DN nước này chế biến SP tinh, xuất khẩu quan EU hưởng lợi rất lớn. Nhu cầu của NTD EU cao nhưng họ khá đơn giản, không khắc khe, họ cần SP chất lượng, miễn SP đạt các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận ISO, dư lượng thuốc trừ sâu trong SP không được vượt ngưỡng cho phép là họ chấp nhận.
Khách EU không thích sự cầu kỳ, chỉ cần thông tin nhãn mác thể hiện rõ ràng, đầy đủ; Các địa chỉ, thông số kỹ thuật, hàm lượng, chỉ tiêu, các chứng chỉ... trên bao bì SP phải rõ ràng. Với các SP nông sản VN sau chế biến thì DN hoàn toàn yên tâm không có dư lượng thuốc trừ sâu, DN cần lựa chọn SP để xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu thô.
Không chỉ thị trường EU, cơ hội với hàng hóa còn đến rất nhiều từ các thị trường khác. Ông Steve Bùi – Kiều bào Hàn Quốc khẳng định, nông sản VN có thể cạnh tranh khi vào Hàn Quốc là tiêu và cà phê.
Để DN có thể đưa hàng vào Hàn Quốc, DN nên lấy Hàn Quốc làm “bàn đạp” bằng cách hợp tác với DN Hàn Quốc hoặc các chuỗi siêu thị ngoại để đi tắt vào thị trường này và nhiều thị trường khác.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, VN phải giúp các DN trong nước củng cố thị phần EU bằng cách hiểu rõ hơn về thị trường và tiêu chuẩn kinh doanh của EU, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và độ tin cậy, đồng thời áp dụng văn hóa đổi mới, minh bạch và liêm chính.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.2069141a-uahk-taux-gnah-ohc-ek-neih-oab-ueik-nahn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www