Công ty Trung Dũng và mối quan hệ tay ba tại đại án của BIDV và TISCO
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV đang được xét xử tại Hà Nội. Trong tiến trình xét xử, các luận chứng được đưa ra cho thấy mối quan hệ không bình thường giữa một doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH thương mại Trung Dũng (Minh Khai, Hà Nội) với BIDV và có liên quan đến cả đại án xảy ra tại Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2) - chưa được đưa ra xét xử.
Dự án TISCO giai đoạn 2, nơi VN Steel và các cổ đông sa lầy. Hơn 30 triệu cổ phiếu của TISCO bị Công ty Trung Dũng thế chấp tại BIDV để vay tiền cũng không được sử dụng đúng mục đích, gây thất thoát. Ảnh: Dân trí |
Hôm 27-10, tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong đại án: “Vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng ” diễn ra tại BIDV, Hội đồng xét xử đã làm rõ mối quan hệ giữa Công ty Trung Dũng và BIDV chi nhánh Hà Thành trong việc ngân hàng cấp tín dụng và mở phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỉ đồng.
Theo đó, Trung Dũng đề nghị BIDV cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng. Nhưng doanh nghiệp sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm vảo dẫn đến thiệt hại cho BIDV. Ngoài ra, Công ty này còn đề nghị mở phát hành L/C theo món với số tiền hơn 22 triệu đô la Mỹ.
Ngay trong lời khai tại tòa, người đứng đầu Công ty Trung Dũng, ông Đoàn Hồng Dũng - đồng thời cũng là bị cáo trong vụ án này và vụ án có liên quan: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhiều lần nhắc đến mối quan hệ và các khoản giải ngân lòng vòng giữa Trung Dũng với BIDV và TISCO.
Qua thông tin được Công ty cổ phần Tổng công ty Thép Việt Nam (VN Steel) và TISCO (CTCP - công ty con của TISCO) được công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán, Công ty Trung Dũng (có trụ sở tại Lương Ngọc Quyến, Hà Nội) là cổ đông lớn của TISCO khi TISCO niêm yết trên sàn UPCOM cách đây 8 năm, sở hữu 17,45% vốn điều lệ (khoảng 32,1 triệu cổ phần). Nói cách khác, Trung Dũng là cổ đông lớn của TISCO, chỉ sau VN Steel (sở hữu 65% vốn điều lệ) và cũng là khách hàng lớn của doanh nghiệp sản xuất thép.
TISCO giai đoạn 2 nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng của ngành công thương, sau 13 năm đầu tư đã sa lầy làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng vốn Nhà nước. Dự án này được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đồng lên 8.104 tỉ đồng vào năm 2014. Đây cũng là dự án mà các cựu lãnh đạo của TISCO bị khởi tố, kéo theo cả ông Hoàng Trung Hải, thời điểm đó là Phó Thủ tướng phải chịu kỷ luật vì việc đưa ra những quyết định, chủ trương không đúng cho dự án.
Điều đáng nói là TISCO có khoản thu ngắn hạn từ Công ty Trung Dũng trị giá 252 tỉ đồng (Báo cáo tài chính quí 3-2018). Song đây cũng chính là khoản nợ không thể thu hồi của TISCO từ năm 2015. Hay nói khác đi là cổ đông lớn chiếm đoạt số tiền 252 tỉ đồng mà không có khả năng chi trả.
Trong văn bản giải trình của TISCO với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu năm 2019, TISCO nói không thể thu hồi được khoản nợ này do Công ty Trung Dũng đã cầm 32,1 triệu cổ phần tại TISCO cho BIDV để làm tài sản thế chấp. Sau đó, Trung Dũng cũng gây thất thoát cho BIDV hơn 800 tỉ và trị giá tài sản thế chấp của Trung Dũng tại ngân hàng là cổ phiếu hiện ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2018, trong cơ cấu cổ đông của TISCO không thấy tên Trung Dũng nữa nhưng không có văn bản nào cho thấy, Trung Dũng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại TISCO vào lúc nào.
Mối quan hệ lòng vòng giữa Công ty TNHH MTV Trung Dũng với TISCO và BIDV cho thấy những khoảng tối trong mối quan hệ giữa các công ty “sân sau” với ngân hàng và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (TISCO), từ đó dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp thất thoát vốn, ngân sách Nhà nước bị rút ruột.