Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán CTG) vừa công kết quả kinh doanh sau 9 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, đến ngày 30/9/2020, quy mô tài sản của ngân hàng này đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với thời điềm hồi đầu năm, chủ yếu do dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,4%, đạt 958.011 tỷ đồng và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giảm. Trái lại, tiền gửi khách hàng tăng 5,2% đạt 939.175 tỷ đồng.
Về kinh doanh 9 tháng đầu năm, vì tín dụng tăng chậm đồng thời ngân hàng thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thu nhập lãi thuần VietinBank chỉ tăng nhẹ 3,2% lên 25.294 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 27,4% đạt 1.514 tỷ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,6% đạt 3.218 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi tới 639 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái ghi nhận vỏn vẹn 93 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh thu hồi từ nợ xử lý rủi ro, lãi từ hoạt động khác tăng 91% đạt 1.152 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, nguồn thu ngoài lãi của VietinBank tăng rất mạnh trong kỳ này. So với tổng thu nhập hoạt động đạt 32.170 tỷ đồng thì thu ngoài lãi đã chiếm tỷ trọng hơn 21%.
Sau khi tiết giảm 2,5% chi phí hoạt động so với cùng kỳ xuống còn 10.348 tỷ đồng, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 21.822 tỷ đồng, tăng 12,8%.
Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng nhưng tăng không bằng mức tăng cửa lợi nhuận thuần nên VietinBank chính thức báo lãi trước thuế tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 10.360 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý 2 và tăng 66% so với đầu năm. Trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm thì nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,16% hồi đầu năm lên 1,87%.
Được biết, hiện VietinBank đang thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 1.520 khách hàng với dư nợ của các khách hàng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ là 62.055 tỷ đồng, số tiền cơ cấu theo Thông tư 01 là 8.400 tỷ đồng.
Đối với giải ngân mới khách hàng chịu ảnh bởi dịch, tính từ thời điểm 23/1/2020 tới cuối quý 3, ngân hàng đã giải ngân cho 6.557 khách hàng bị ảnh hưởng với doanh số giải ngân là 276.591 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi được "cởi trói" để tăng vốn, mã cổ phiếu CTG tăng khá tốt. Chốt phiên giao dịch ngày 28/10, thị giá dừng ở mức 29.900 đồng/cổ phiếu, vốn hoá thị trường vào khoảng 111.329 tỷ đồng.