Tối 28-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV (Nha Trang MRCC, đóng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho hay hiện có ba tàu kiểm ngư đang tìm kiếm 26 ngư dân tỉnh Bình Định mất liên lạc và ứng cứu 14 ngư dân tỉnh này bị nạn.
Theo giám đốc Nha Trang MRCC, rạng sáng 28-10, hai tàu kiểm ngư KN467, KN473 xuất phát tại Khánh Hòa ra khơi tìm kiếm 12 ngư dân Bình Định khác bị mất liên lạc trên tàu cá BĐ 96388 TS bị chìm và hỗ trợ 14 ngư dân trên tàu BĐ 98658 TS bị nạn.
“Hiện hai tàu kiểm ngư này đã đến vùng biển có các tàu cá bị nạn nhưng chưa thể tiếp cận do thời tiết quá xấu, gió mạnh, sóng lớn. Chúng tôi liên lạc với các tàu kiểm ngư cũng rất khó khăn” - ông Bình thông tin.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi khảo sát tình hình trú tránh bão của người dân tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình tại cuộc họp. Ảnh: TẤN VIỆT
Chiều 28-10, trao đổi với báo chí tại sở chỉ huy tiền phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay chưa có cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh kéo dài liên tục hơn 6 giờ đồng hồ như bão số 9. Từ 10 giờ sáng đến 16 giờ cùng ngày, tốc độ gió vẫn là cấp 10, giật cấp 11-12, cho thấy sức tàn phá rất khủng khiếp.
Theo ông Cường, chỉ trong hai ngày, Ban chỉ đạo tiền phương cùng các tỉnh, TP phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ. Từ việc di dời 400.000 người dân ở vùng nguy hiểm đến việc đưa 45.000 tàu, thuyền/300.000 lao động đến nơi an toàn. “Các hoạt động kinh tế của sáu tỉnh tạm thời đóng cửa, một khối lượng công việc khổng lồ phải kiểm tra” - ông Cường nói.
Theo ông Cường, hai tàu cá/26 lao động của Bình Định vẫn đang mất tích. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.
Ông Cường lưu ý: Các địa phương phải điều hành, vận hành các hồ chứa khoa học. Trong 1-2 ngày tới vẫn còn mưa lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ. Đây là khu vực hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và tổn thương qua ba đợt lũ vừa rồi.
“Các sông ở Nam Trung bộ cũng đã nhiều nước, hệ thống hồ cũng đầy, nếu xảy ra vấn đề gì nữa thì dễ gây hậu quả khôn lường, chúng ta phải cảnh giác” - ông Cường lưu ý.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp của Sở chỉ huy tiền phương cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã quyết định điều động thêm tàu kiểm ngư 490 cũng từ Cam Ranh xuất phát ra khu vực tàu BĐ 96388 bị chìm lúc 13 giờ 30 ngày 27-10. “Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sẵn sàng sử dụng máy bay để bay tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các lực lượng tàu tìm kiếm nạn nhân trôi dạt trên biển. Đội bay sẽ sẵn sàng ngay khi thời tiết cho phép” - Trung tướng Nguyễn Trọng Bình thông tin.
Về hai tàu có 26 ngư dân của Bình Định bị chìm trên biển ngày 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hai tàu hải quân và hai tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Cả máy bay cũng sẵn sàng cho phương án cứu hộ khi thuận lợi.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão ở Quảng Nam Chiều tối 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 (Molave) gây ra trên địa bàn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao, biểu dương tinh thần quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo, các cấp, ngành và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong việc tập trung ứng phó với cơn bão mạnh, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Nhận định tình hình mưa lũ sẽ vẫn phức tạp do hoàn lưu của bão, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Nam hết sức chú ý ứng phó, đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão. Phó Thủ tướng nêu rõ chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tìm kiếm bằng được những trường hợp hiện còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa; bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.“Tuyệt đối không để người dân màn trời chiếu đất, bị đói, bị thiếu thuốc men” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |