Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/10), với chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.
Sự sụt giảm diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu và giới đầu tư lo ngại về kịch bản kết quả bầu cử bị thách thức (contested election) trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới.
Theo tin từ Reuters, tốc độ lây lan chóng mặt của bệnh dịch và việc Washington chưa thể thông qua một gói kích thích kinh tế mới trước ngày bầu cử 3/11 đã đẩy cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall trượt hơn 3% trong một phiên giao dịch với khối lượng "khủng".
Tốc độ bán tháo được đẩy mạnh trong những phút cuối cùng của phiên, khiến Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm tệ hại nhất kể từ ngày 11/6.
12 tiểu bang của Mỹ thiết lập kỷ lục mới về số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, trong khi Đức và Pháp công bố kế hoạch đóng cửa phần lớn các hoạt động của đời sống công cộng trong vòng 1 tháng để ứng phó với làn sóng virus ở châu Âu.
"Rõ ràng virus đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Số ca nhiễm tăng mạnh. Điều này thật tệ hại", Giám đốc đầu tư Eric Kuby của North Star Investment Management Corp nhận định. "Ý nghĩ rằng virus sẽ biến mất đúng là một sự lầm tưởng".
Giá cổ phiếu khách sạn, hàng không và các ngành liên quan đến du lịch, giải trí khác - vốn là những công ty nhạy cảm với diễn biến dịch bệnh - đồng loạt "đỏ lửa". Nhóm hàng không thuộc S&P 500 mất 4,3% giá trị. Cổ phiếu năng lượng tụt 4,2% do giá dầu giảm sâu vì lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Vào thời điểm chỉ còn 6 ngày là đến ngày bầu cử tổng thống, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của giới đầu tư ở Phố Wall tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 15/6. Mối lo về kịch bản kết quả bầu cử bị thách thức - trường hợp không có người chiến thắng rõ ràng để công bố vào đêm ngày 3/11 - cũng góp phần đẩy mạnh tốc độ bán tháo cổ phiếu.
Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump 10 điểm phần trăm về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc, theo kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos. Tuy nhiên, cạnh tranh đang ngày càng gay gắt ở các tiểu bang mà cử tri còn dao động. Đây sẽ là những bang giữ vai trò quyết định chiến thắng thuộc về ai.
Giới đầu tư Mỹ hiện đang đặt ra nhiều kịch bản khác nhau về bầu cử Mỹ, gồm: kết quả bầu cử bị thách thức; ông Biden đắc cử và Đảng Dân chủ của ông giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội; và ông Trump tái đắc cử - theo ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance.
"Trong lúc mọi người đang đánh giá các kịch bản có thể xảy ra với cuộc bầu cử này, trước mắtkhông có một câu trả lời tốt nào cả", ông Zaccarelli nhận định.
Các cổ phiếu công nghệ giảm trên diện rộng, với mức giảm của cả nhóm là 4,33%, gây áp lực giảm mạnh nhất lên toàn thị trường. Ba hãng công nghệ lớn gồm Apple, Alphabet và Facebook cùng chứng kiến cổ phiếu giảm từ 4,6% trở lên.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 943,24 điểm, tương đương giảm 3,43%, còn 26.519,95 điểm. S&P 500 tụt 119,65 điểm, tương đương giảm 3,35%, còn 3.271,03 điểm. Chỉ số Nasdaq "bốc hơi" 426,48 điểm, tương đương giảm 3,73%, còn 11.004,87 điểm.
Trong số 206 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tính đến thời điểm này, khoảng 83% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo, theo dữ liệu của Refinitv. Tuy nhiên, lợi nhuận bình quân quý này của các công ty được dự báo giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phiên này, cổ phiếu hãng công nghiệp General Electric (GE) trở thành một điểm sáng hiếm hoi nhờ mức tăng 8%, sau khi GE báo lãi bất ngờ trong quý 3.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 10,08 số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 6,28 lần.
Xem thêm: mth.89111556092010202-gnaht-3-yad-gnoux-cod-oal-ym-naohk-gnuhc/nv.ymonocenv