Nhiều nông sản miền Tây có mặt tại chuỗi siêu thị Co.opmart - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sự tham gia của Saigon Co.op còn giúp người sản xuất nông sản chất lượng cao tại miền Tây có một đầu ra ổn định bên cạnh tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường cao cấp có giá trị cao.
Đưa nông sản chuẩn châu Âu vào Co.opmart
Ngày 12-10, đại diện Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Nông Trường Xanh tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Đây là hoạt động trong sự kiện "Kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân trẻ tỉnh Trà Vinh khởi nghiệp và tái khởi nghiệp trong ngành rau củ quả định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu và Trung Đông". Cũng tại đây, "Lễ công bố dự án mô hình kho trữ lạnh thông minh Trà Vinh" cũng được diễn ra với hi vọng giúp nông dân tránh được cảnh "được mùa rớt giá".
Tại sự kiện ký kết bản ghi nhớ, Hợp tác xã Nông Trường Xanh cam kết đảm bảo vùng nguyên liệu và chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn đưa hàng vào thị trường châu Âu và Trung Đông, phía Saigon Co.op cam kết bao tiêu các sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn được sản xuất bởi các hợp tác xã, các hộ dân tham gia vào chương trình nông sản chất lượng cao của dự án này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết Trà Vinh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa hai sông Cổ Chiên và sông Hậu, với trên 65.000 hecta đất nông nghiệp, có thế mạnh trồng các loại rau củ và cây ăn trái chủ lực như cam, bưởi, thanh long, nhãn, xoài, măng cụt, quýt,... sản lượng hằng năm ước tính đạt trên 1,1 triệu tấn. Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có sản lượng sản xuất rau củ quả khá lớn ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu qua trung gian và thương lái ngoài tỉnh, chưa mở rộng được thị trường xuất khẩu sang các nước có yêu cầu cao.
Dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông, do Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam khởi xướng, tổ chức nhằm mục đích thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ tài chính, thị trường đến khoa học, công nghệ, nhân lực để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng vì sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistic hiện đại.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, giúp nhà nông tăng năng suất, hiệu quả canh tác xanh, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, sản xuất ra những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp nông dân nâng cao năng lực và trở thành nhà cung ứng của chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Trong khuôn khổ chương trình này, Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam còn kết nối, vận động tài trợ từ các nguồn lực xã hội và quốc tế để thực hiện dự án xây dựng chuỗi kho lạnh thông minh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những kho lạnh này sử dụng công nghệ cảm biến để điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điểu khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm về nguồn gốc, chất lượng, tên nhà vườn sản xuất... Đây là những yêu cầu không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, mà còn giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thông tin sản phẩm cũng như hỗ trợ nông dân quản lý, quy hoạch vùng trồng hoa màu.
Dự án sẽ nâng cao năng lực về phân loại, sơ chế, đóng gói sản phẩm rau quả theo quy chuẩn châu Âu cho khoảng 400 hộ dân tại vùng sản xuất rau quả ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu dài hạn của dự án đến năm 2022, phát triển chuỗi 5 kho lạnh thông minh tại vùng sản xuất rau quả tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long để tập kết, bảo quản và sơ chế rau quả trước khi vận chuyển đến trung tâm logistic và cảng Cái Mép - Thị Vải, để từ đây xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu.
Hỗ trợ nông dân sản xuất sạch
Quýt đường là loại trái cây đặc sản của Trà Vinh nhưng nhiều năm qua, ngay cả khi mùa vụ bội thu nông dân cũng vẫn lo vì khó tìm nơi tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch được. Bà Phan Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú, cho hay nhiều đợt cây trái phải bán với giá rẻ như cho, bà con lỗ cả tiền đầu tư phân bón, công chăm sóc. Ngoài ra, việc triển khai trồng theo tiêu chuẩn hiện đại như Global Gap, Viet Gap với bà con nông dân còn nhiều khó khăn cần nhiều hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính.
"Nỗi lo nông dân HTX Thuận Phú cũng là nỗi niềm chung của đa số nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ mỗi khi đến vụ thu hoạch nông sản. Do đó, dự án kho lạnh sẽ giúp bà con nông dân giải quyết được vấn đề nguồn hàng, không còn lo tới vụ rớt giá. Bà con có thể bảo quản hàng hóa của mình tới khi đúng thời điểm để xuất ra với giá ổn định hơn", bà Nga chia sẻ tại lễ khởi công mô hình trình diễn kho lạnh thông minh.
Niềm vui của người nông dân còn được nhân đôi vì trước khi tiếp cận được thị trường châu Âu, sản phẩm trong dự án này đã được Saigon Co.op đặt hàng để đưa vào hệ thống bán lẻ này.
Theo đại diện của Saigon Coop, không chỉ ở Trà Vinh mà trong nhiều năm qua Saigon Co.op đã liên kết tiêu thụ nông sản với các địa phương khu vực ĐBSCL rất hiệu quả. Qua đó, những mặt hàng nông sản được giới thiệu đến người tiêu dùng trong cũng như ngoài khu vực, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ tiếp tục khai thác từ các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ dân, tham gia liên kết đầu tư vào nông nghiệp, hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp nhằm đa dạng nguồn hàng cung ứng cho hệ thống trong thời gian tới.
Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thị nông sản với nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Hiện, Saigon Co.op cũng đang tiếp tục triển khai hoạt động mở rộng mạng lưới tại Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều dự án có quy mô lớn cùng các giải pháp hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đến nay, Saigon Co.op đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với rất nhiều hợp tác xã, cùng các doanh nghiệp và hộ nông dân tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Xem thêm: mth.69731956182010202-yat-neim-oac-irt-aig-nas-gnon-ueit-oab-cut-peit-pooc-nogias/nv.ertiout