vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyển đổi là chuyện sống còn!

2020-10-29 10:15

Chuyển đổi là chuyện sống còn!

ĐẶNG ĐÀO ghi

(TBKTSG) - Hội thảo về nhân sự với chủ đề “Vươn tới tương lai” do Le & Associates Holdings và Mazars phối hợp với Saigon Times Club tổ chức diễn ra hôm 23-10. Các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn về một tương lai gần trong “trạng thái bình thường mới” hình thành từ dịch Covid-19, bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm thực tế hữu dụng cho doanh nghiệp trong việc xây dựng một nội lực phù hợp bối cảnh mới.

Các diễn giả tham gia một trong bốn chuyên đề nội dung tại Hội thảo “Vươn tới tương lai”.

Ông Jack Nguyen - Đối tác, Phát triển quan hệ đối tác, Mazars Vietnam:

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng hồi phục nhanh

- Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,02% ở thời điểm trước dịch rớt xuống chỉ còn 1,81% vào cuối quí 2, song đến quí 3 thì xuất hiện những dấu hiệu khả quan hơn. Nếu số người lao động có việc làm toàn thời gian hồi trước dịch là 82%, bị tụt xuống chỉ còn 63% vào tháng 5-2020 thì đã được phục hồi về mức 70% ở thời điểm tháng 7-2020. Một số lĩnh vực, chẳng hạn giày dép xuất khẩu, nếu trong quí 2 hầu như không có đơn hàng thì đơn hàng đã quay trở lại trong quí 3.

Cần phải nhắc lại hồi trước dịch, sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019 của hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng là cơ sở cho sự kỳ vọng một năm 2020 mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung và một thị trường khách du lịch quốc tế dự báo tăng rất mạnh. Tuy các cơ hội đó đã đột ngột dừng lại do dịch bệnh bùng phát, nhưng chúng không mất đi mà đang ở trạng thái chờ. Cho đến nay, hàng tuần, chúng tôi vẫn nhận được những cuộc gọi của khách hàng từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… hỏi thăm về tình hình kinh tế Việt Nam, về các công ty trong nước nào có thể cho họ những cơ hội mua bán, sáp nhập, hay những thông tin tìm kiếm đất đai để đầu tư sản xuất.

Có thể thấy đang có một dòng tiền chờ ngày Việt Nam mở cửa biên giới để đổ vào đầu tư. Sự chờ đợi này càng được củng cố với những dự báo lạc quan từ các chuyên gia kinh tế trên thế giới dành cho Việt Nam. Nếu Chính phủ Việt Nam chủ động đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2021 ở mức 6-6,5% thì World Bank đưa ra con số dự báo là 6,8%; IMF nói mức tăng sẽ khoảng 7% trong khi Goldman Sachs dự báo tới 8,1%.

Cá nhân tôi có thêm cái nhìn từ những điểm tương đồng giữa nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế Trung Quốc để trông đợi sự vực dậy của thị trường nội địa. Cho tới thời điểm này, một số nơi ở Trung Quốc như Thượng Hải đang phục hồi nhanh sau dịch bệnh. Những khoản tài chính mà người Trung Quốc lẽ ra dùng vào việc đi du lịch nước ngoài như những năm trước đã được dồn vào thị trường tiêu dùng trong nước. Cũng vậy, trước những số liệu cho thấy sức chống đỡ khủng hoảng khá kiên cường của nền kinh tế Việt Nam lần này, tôi nghĩ chúng ta có thể hy vọng sức mua sản phẩm dịch vụ trong nước, bao gồm cả mảng du lịch nội địa, sẽ sớm tăng trở lại. Tất nhiên, mọi dự báo và sự trông đợi còn phụ thuộc nhiều vào việc vaccin phòng nhiễm Covid-19 sẽ xuất hiện khi nào.

Ông Richard McClellan - Cố vấn chiến lược cấp cao RMAC Advisory, LLC:

Covid-19 - vòng thử thách không chừa ai

- Học viện telos định nghĩa “không gian ngưỡng” (liminal space) là khoảng thời gian ngắt quãng tạo ra sự đón nhận thay đổi. Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm không gian ngưỡng trong cuộc sống, như khi bắt đầu thích nghi đời sống hôn nhân, hay khi bắt đầu làm cha mẹ, hoặc lúc phải làm quen với cuộc sống đã vĩnh viễn mất đi một người thân... Nhiều người thường cho rằng đó là những khoảng thời gian tồi tệ, nhưng thực ra đó mới chính là những thời điểm con người dễ thay đổi và vươn lên. Nhìn ở góc độ đó, với dịch Covid-19, thế giới chúng ta, bao gồm các quốc gia, doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân, đang trải qua không gian ngưỡng lớn nhất trong cuộc đời, và nó cho chúng ta cơ hội để thay đổi và phát triển.

Gần đây, người ta nói nhiều đến sự linh hoạt và thích ứng nhanh (agile) ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Quả thật, tư duy linh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong không gian ngưỡng, giúp đối phó với những bất ổn và nắm bắt các cơ hội. Do vậy, nếu các nhà lãnh đạo nhân sự của các doanh nghiệp cần một lời khuyên lúc này, theo tôi, quý vị cần khuyến khích tư duy thích ứng nhanh trong tổ chức. Cụ thể là thiết kế một hệ thống được vận hành và quản lý theo các nguyên tắc linh hoạt; huấn luyện nhân viên luôn nhận thức mình đang ở trong không gian ngưỡng để thay đổi và xác định những cơ hội chuyển đổi doanh nghiệp.

Một trong những phương cách hiệu quả giúp thúc đẩy tư duy linh hoạt, sáng tạo là xây dựng văn hóa chia sẻ cởi mở, ở đó, mọi suy nghĩ khác biệt được khuyến khích nói ra và thảo luận. Các suy nghĩ linh hoạt nên được khen thưởng hoặc đưa vào các chỉ số hiệu quả công việc, tuyển dụng người mới.

Những năm sống và làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra ở góc độ cá nhân, từng người Việt hết sức linh hoạt trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề. Câu hỏi đặt ra cho các tổ chức là liệu tư duy linh hoạt từ cấp dưới có được quan tâm xem xét, thảo luận để đưa lên thành giải pháp linh hoạt của tổ chức?

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty Vàng bạc - đá quý Phú Nhuận (PNJ):

Dũng cảm đối diện khó khăn sẽ nhìn ra cơ hội

- Nhiều người tỏ ra bất ngờ với kết quả tăng trưởng doanh số quí 3 của PNJ cao hơn cùng kỳ năm ngoái và nêu thắc mắc: “PNJ đã làm thế nào?”. Tôi nhớ lại những ngày đầu năm nay và trước Tết Nguyên đán, khi bắt đầu có những thông tin hàng ngày về dịch Covid-19 ở Trung Quốc, chúng tôi đã thấy trước tình thế khó khăn cho chiến dịch kinh doanh mùa xuân (vào các dịp ngày thần tài, ngày lễ tình yêu và ngày quốc tế phụ nữ). Và chúng tôi đã mạnh dạn bỏ hết mọi kế hoạch tiếp thị - bán hàng đã được chuẩn bị từ mùa hè năm trước. Ba kịch bản khủng hoảng được xây dựng và một ủy ban ứng phó được thành lập với mạng lưới ứng phó từ văn phòng bộ chỉ huy xuống tới cơ sở kinh doanh ở các địa phương, trước cả thời điểm Chính phủ ra lệnh giãn cách xã hội.

Cùng lúc đó, quá trình chuyển đổi số đang triển khai nhận được lệnh bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ nhất có thể nhằm kịp thời thúc đẩy các hình thức bán hàng trực tuyến và những vấn đề logistics đi kèm, như việc vận chuyển - giao hàng tận nơi, hay gia tăng tính phối hợp công việc trong hoàn cảnh giãn cách. Trước đó, chúng tôi đã có những nỗ lực thiết lập cơ chế “lãnh đạo phẳng”, qua đó, ý kiến một tư vấn viên hay sáng kiến của một nhân viên từ bất kỳ thị trường vùng miền nào cũng đều nhanh chóng lên đến CEO và chủ tịch công ty để chúng tôi kịp thời ra các quyết định.

Tại PNJ, chúng tôi không chấp nhận những viện dẫn bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hay của thị trường để kéo giảm mục tiêu. Thay vào đó, chúng tôi đòi hỏi sự dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng, chấp nhận nó và tìm ra những bước đi mới, cách làm mới. Và chính nhờ có giải pháp, nhờ có cách bán hàng mới, có những sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp và biết cách kích thích người mua, hệ thống bán lẻ nữ trang của PNJ đã gia tăng doanh số trong bối cảnh thị trường bán lẻ nữ trang nói chung sụt giảm trong năm nay.

Ông Colin Blackwell - nhà sáng lập, CEO Enablecode:

Theo kịp trí khôn nhân tạo quyết định sự thành công

- Covid-19 đã thay đổi thế giới. “Bình thường mới” được hình thành và sẽ còn tồn tại trong tương lai. Cá nhân tôi trong một, hai tháng đầu mùa dịch không tránh khỏi hoảng sợ, nhưng rồi tôi nhận ra mình vẫn làm việc và thậm chí hiệu suất làm việc tốt hơn nhiều so với trước dịch.

Ngày nay, với hỗ trợ đắc lực của công nghệ và Internet, các cá nhân có đa dạng phương án hợp tác làm việc: dài ngày, ngắn ngày, có khi chỉ trong vài ngày hoặc vài tiếng đồng hồ. Một công ty có thể nâng cao hiệu quả công việc thông qua tìm kiếm những kỹ năng phù hợp với từng dự án từ các đối tác thuê ngoài, những người làm việc tự do (freelancer) ở bất kỳ đâu. Xu hướng này càng được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo ra sự thay đổi lớn trong những tháng vừa qua. Khi phần lớn công ty lao đao vì thiệt hại thương mại quá lớn thì một số khác, nhờ nhanh chóng chuyển đổi (đặc biệt là chuyển đổi số), nhờ có tư duy mới về nhân sự và áp dụng các phương pháp linh hoạt, thích ứng nhanh (agile), đã vươn lên làm tốt hơn trước và đạt được thị phần.

Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy yêu cầu chuyển đổi và hiện đại hóa là vấn đề sống còn. Nhiều người lo ngại máy tính đe dọa việc làm của con người nhưng rõ ràng máy tính đang làm một số công việc (có tính quy trình, lặp đi lặp lại) tốt hơn con người rất nhiều. Hãy để những công việc nhàm chán ấy cho máy tính làm; con người cần xác lập vai trò khác và nghĩ về những công việc mới thú vị hơn. Khi con đường đi đến thành công trong quá khứ của những công ty truyền thống không còn phù hợp thì cũng có nghĩa tương lai không dành cho những ai sợ thay đổi và vẫn còn mong ngóng quay lại những cách làm cũ. Ở thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tự động hóa và trí khôn nhân tạo, việc theo kịp trí khôn nhân tạo sẽ quyết định thành công.

Tạo động lực cho đội ngũ

“Vào những lúc thị trường ảm đạm nên nói ít, làm nhiều. Thay vì nhắc hoài với nhân viên, với khách hàng về thời điểm khó khăn, điều tốt hơn bạn nên làm là hỗ trợ họ bằng hành động”.

Richard Burrage - Giám đốc điều hành Cimigo.

“Nếu mỗi người đều góp phần gia tăng những cảm nhận xấu về tương lai và không có cái nhìn tự tin kéo lại thì đồng nghĩa với tất cả đang cùng nhau tạo ra một thị trường tệ hơn”.

Nguyễn Hoành Tiến - CEO Seedcom.

“Dường như người Việt có khuynh hướng kết nối các hành động với hệ lụy của nó. Trong những hoàn cảnh khó khăn, điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi và không dám hành động. Chúng ta cần hiểu điều đáng sợ nhất chính là mọi người không thay đổi trong thời buổi cần phải thay đổi”.

Colin Blackwell - CEO Enablecode.

“Ở góc độ quan sát, tôi có niềm tin vào sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam”.

Nguyễn Lan Anh - CEO Endeavour Vietnam.

 

Xem thêm: lmth.noc-gnos-neyuhc-al-iod-neyuhc/269903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyển đổi là chuyện sống còn!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools