Hãng sản xuất máy bay Boeing tuyên bố sa thải thêm 7.000 nhân viên do lâm cảnh "lỗ chồng lỗ" và doanh thu sụt giảm chóng mặt.
Ngày 28/10, Boeing cho biết hãng dự kiến sẽ giảm số nhân viên xuống còn 130.000 người vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc có thêm 7.000 nhân viên phải nghỉ việc. Hãng tin CNN cho biết, trước đợt sa thải này, Boeing đã có một loạt cuộc cắt giảm nhân sự khác với tổng cộng 19.000 nhân viên phải ra đi từ đầu năm.
Trong quý 3, Boeing lỗ 754 triệu USD, doanh thu giảm 5,8 tỷ USD, tương đương giảm 29%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, các hãng hàng không trì hoãn kế hoạch nhận giao hàng máy bay mới, thậm chí là hủy nhiều đơn hàng mua máy bay, do lượng khách đi lại bằng đường hàng không sụt giảm thê thảm. Boeing nhận phần lớn tiền bán máy bay khi thực hiện việc giao hàng.
"Đại dịch toàn cầu tiếp tục gây sức ép lên hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong quý vừa qua, và chúng tôi đang cố gắng thích nghi với thực tế mới", Tổng giám đốc (CEO) Dave Cahoun của Boeing phts biểu.
Ông Calhoun dự báo ít nhất 3 năm nữa giao thông hàng không toàn cầu mới hồi phục lại được mức của năm 2019, và sẽ phải mất nhiều năm để ngành này đạt được tốc độ tăng trưởng như được dự báo trước khi xảy ra đại dịch.
Vị CEO cũng cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đối với doanh số máy bay sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa. Ông cho biết triển vọng của Boeing về thị trường máy bay thương mại 10 năm tới ở thời điểm này kém hơn khoảng 11% so với dự báo cách đây 1 năm.
"Thậm chí đối với 20 năm nữa, chúng tôi vẫn nhìn thấy ảnh hưởng của Covid, nhưng ở mức độ thấp hơn", ông nói.
Khoản lỗ quý 3 của Boeing đã giảm so với số lỗ 3,3 tỷ USD trong quý 2 và 1,7 tỷ USD trong quý 1. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sức ép lớn mà Boeing phải hứng chịu từ cú sốc mà đại dịch gây ra cho các hãng hàng không. Trong quý, hãng này đã "đốt" 4,8 tỷ USD tiền mặt, nhiều gấp đôi tốc độ "đốt" tiền mặt trong quý 2.
Để chống chọi với cuộc khủng hoảng này, Boeing đã vay nợ thêm 37 tỷ USD. Bởi thế, dù tiêu tốn một lượng tiền mặt lớn, hãng này vẫn còn trong tay 10,6 tỷ USD tiền mặt vào thời điểm cuối quý 3, nhiều hơn 1,1 tỷ USD so với thời điểm đầu năm.
Đầu tháng này, Boeing quyết định dừng sản xuất máy bay 787 Dreamliner tại một nhà máy ở bang Washington và thu hẹp sản xuất tại một nhà máy ở South Carolina từ đầu năm sau. Hãng cũng có kế hoạch dừng sản xuất 747, loại máy bay hiện nay chỉ còn được dùng để chở hàng, vào năm 2022. Ngoài ra, hãng đang cắt giảm dần sản lượng của tất cả các dòng máy bay thương mại.
Một tin tốt đối với Boeing là nhà chức trách có thể sớm cấp phép cho máy bay 737 Max bay trở lại. CEO Calhoun nói hãng có thể bắt đầu nối lại việc giao hàng dòng máy bay này trước cuối năm nay.
737 Max bị đình bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019, sau hai vụ rơi khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Trong thời gian 737 Max bị đình bay, Boeing đã sản xuất 450 chiếc máy bay thuộc loại này. Ước tính, việc 737 Max bị cấm bay trong thời gian dài đã khiến Boeing mất 2 tỷ USD tiền bồi thường cho khách hàng và chi phí sản xuất tăng thêm.
Hiện mới chỉ có hai khách hàng của Boeing là Amerian Airlines và Air Canada có kế hoạch cho 737 Max bay trở lại trước cuối năm nay. Số khác nói có thể làm việc tương tự trong năm 2021.
Xem thêm: mth.45370620192010202-neiv-nahn-0007-meht-iaht-as-gnieob-tahc-gnohc-ol-auht/nv.ymonocenv