Chỉ trong 1 tháng, tại TPHCM đã có ít nhất 3 trường hợp người lớn xúi trẻ em trộm cắp tài sản của người dân bị camera an ninh phát hiện. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi lo lắng trước việc kẻ gian “mượn tay” trẻ em để phạm tội, khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách.
Liên tiếp xúi trẻ em trộm cắp
Ngày 26.10, mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nam thanh niên xúi một bé trai trộm điện thoại của người bán dừa. Theo lời kể của bà T.H.T. (45 tuổi, chủ cửa hàng bán dừa trên đường Bình Tiên, Phường 4, Quận 6, TPHCM), khoảng hơn 13h30 ngày 21.10, em gái của bà tên là M. (27 tuổi, quê Cà Mau) đang bán tại cửa hàng thì có một nam thanh niên đeo khẩu trang đi xe máy chở theo một bé trai (khoảng 4-5 tuổi) đến mua dừa.
Trong lúc chị M. đang chặt dừa thì nam thanh niên liên tục ra dấu hiệu để bé trai tiến đến khu vực để điện thoại của chị M và lấy trộm. Sau khi lấy được điện thoại, nam thanh niên đưa bé trai nhanh chóng rời khỏi. Chị M sau đó mới phát hiện mình bị mất điện thoại. Qua kiểm tra camera an ninh, chị mới ngỡ ngàng phát hiện chính đứa bé đi cùng nam thanh niên đã trộm điện thoại của mình.
Trước đó, vào trưa 12.10, tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM cũng xảy ra vụ việc tương tự. Một người phụ nữ điều khiển xe tay ga đi cùng 2 đứa trẻ và dừng lại trước một cửa hàng thời trang. Trên vỉa hè ngay trước cửa hàng có một chiếc xe máy đang đỗ.
Người phụ nữ xúi giục đứa trẻ xuống xe, lấy trộm chiếc túi đang treo trên chiếc xe máy dựng trước cửa hàng. Camera an ninh ghi lại cho thấy, đứa trẻ lấm lét, định quay lại nhưng liên tục bị người phụ nữ hối thúc nên đã vội vàng chạy lại chiếc xe, nhanh chóng lấy chiếc túi rồi trèo lên xe người phụ nữ chạy thoát.
Trong khi đó vào tối 23.9, đối tượng Chu Thuý An (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đi xe tay ga chở theo bé trai tên P (9 tuổi, là con nuôi và là cháu của chồng An) đến quán nước tại đầu hẻm 420 đường Lê Văn Sỹ (Quận 3).
Tại đây, An đã xúi bé trai trộm túi đựng tiền và thẻ cào điện thoại của bà Trần Thị Tuyết Mai (58 tuổi, ngụ Phường 14, Quận 3, TPHCM). Sau quá trình vào cuộc điều tra, công an đã bắt giữ được Chu Thúy An vào ngày 30.9. Đáng nói, thời điểm bị bắt giữ, vợ chồng An còn tàng trữ một số ma túy trong phòng. Hiện tại, đối tượng Chu Thúy An đang bị tạm giữ hình sự vì hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Bé P sau đó đã được gia đình đón về nuôi dưỡng.
Ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM - cho biết, trong trường hợp các cháu bé dưới 14 tuổi có hành vi trộm cắp thì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, dù tài sản bị trộm đủ mức để xử lý hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” thì những cháu bé dưới 14 tuổi cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Mặt khác nếu chứng minh được người lớn đi cùng đã xúi giục trẻ em trộm cắp và tài sản bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì người lớn đó có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản. Cần phải lưu ý là trong các tình huống này, người lớn đi cùng có tình tiết phạm tội tăng nặng khi có dấu hiệu chủ mưu, “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”- Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Cũng theo luật sư Ngọc Nữ, Luật Trẻ em và Luật hôn nhân, gia đình đã có quy định tạm tước quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên khi họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Việc tạm tước quyền này có thể kéo dài 1-5 năm do tòa án quyết định dựa trên yêu cầu người thân của trẻ, viện kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ hoặc ủy ban dân số - gia đình và trẻ em...
“Luật quy định giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ để hình thành nhân cách. Nhưng trong những trường hợp này, trẻ phải thực hiện theo sự xúi giục để trộm cắp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách và có cách nhìn sai trái về cuộc sống của các em. Việc các đối tượng lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội nói chung, hay trộm cắp tài sản nói riêng, tôi đề nghị phải xử lý mạnh tay để có tính răn đe, ngăn ngừa cho toàn xã hội” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhận định.
Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS-TS Trần Thành Nam cho biết, người quan trọng với trẻ, người mà trẻ phụ thuộc vào khi xúi trẻ có hành động trộm cắp thì trẻ sẽ nghĩ đó là hành động đúng, được chấp nhận. Trẻ nghĩ rằng hành động trộm cắp của người khác là bình thường. Và khi mình thiếu cái gì thì có thể sẵn sàng xâm phạm đến quyền lợi của người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình. Đây là suy nghĩ nguy hiểm, không tốt đẹp.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, đứa trẻ bị xúi giục thực hiện hành vi xấu còn có thể bị mâu thuẫn giá trị. “Trẻ sẽ bị mâu thuẫn về mặt nội tâm và có thể ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Nếu mâu thuẫn về mặt nội tâm cực kỳ mãnh liệt thì sẽ dẫn đến việc tự thấy bản thân tội lỗi, cảm nhận như mình là người xấu, không chấp nhận được. Trẻ không biết giải quyết như thế nào giữa một bên là bố mẹ, người thân một bên là những giá trị lẽ phải thì trẻ phải tìm cách giải thoát, thậm chí trong lúc bồng bột có thể tìm đến cái chết”- PGS-TS Trần Thành Nam nhận định.
PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng, hiện tại cần có chế tài pháp luật về mặt trách nhiệm của bố mẹ, người nuôi dưỡng đối với trẻ. Việc làm cho đứa trẻ cảm thấy đau đớn, xấu hổ, nhục nhã hay làm cho đứa trẻ cảm thấy bản thân vô giá trị, cảm thấy tội lỗi thì đều phải được định nghĩa là bạo hành. Bên cạnh đó, hành động bố mẹ ép buộc con làm những gì trái với những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội thì cũng phải được xem là một dạng bạo hành. Và dạng bạo hành này cũng phải bị lên án và cũng phải bị xử lý như một cách thức để bảo vệ quyền trẻ em.
Xem thêm: odl.826948-iot-mahp-ed-me-ert-yat-noum-nol-iougn-gnart-hnit-irt-meihgn/taul-pahp/nv.gnodoal