Dù phải tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng có không ít chất vấn quyết liệt đã được đưa ra.
Trong phiên điều trần kéo dài gần 4 tiếng, cả 3 CEO của Google, Facebook, Twitter đều nhấn mạnh họ luôn tin tưởng vào sự công bằng và từ trước đến nay các mạng xã hội của họ luôn thực thi các quy tắc theo đúng pháp luật của Mỹ.
CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: CNN)
Họ cũng cho rằng, những biện pháp kiểm duyệt nội dung số mà các công ty công nghệ đưa ra nhằm tăng cường tính minh bạch trong quản lý nội dung, cho phép người dùng trải nghiệm tốt hơn và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Dẫn chứng thực tế, để tránh các thông tin sai lệch, thất thiệt trên mạng xã hội, các công ty công nghệ đã chi hàng tỷ USD với đội ngũ kiểm duyệt viên hùng hậu. Ông chủ Facebook Zuckerburg cho biết đã chi 3 tỷ USD mỗi năm cho 35.000 kiểm duyệt viên để kiểm duyệt nội dung số, Google là 1 tỷ USD, còn Twitter thì ít hơn.
Tại phiên điều trần, các CEO cho rằng Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực truyền thông Mỹ quy định các mạng xã hội không chịu trách nhiệm pháp lý với nội dung người dùng đăng tải cần được cập nhật để đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội, nhưng cũng tránh để đăng tải các nội dung xấu, thất thiệt.
CEO Twitter Jack Dorsey. (Ảnh: CNN)
Sau cuộc điều trần, cổ phiếu của cả 3 tên tuổi đều đã lao dốc. Cả 3 hãng đều đã mất khoảng hơn 5% giá trị cổ phiếu trong phiên đêm qua, theo đà chung của toàn thị trường. Các ông lớn công nghệ cũng đang chịu tổn thất lớn, với tổng cộng khoảng 270 tỷ USD vốn hóa đã bị "thổi bay" trong 2 phiên liên tiếp vừa qua.
Có thể thấy, phiên điều trần ít nhiều tác động đến cuộc bầu cử năm nay. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho rằng các mạng xã hội có thành kiến khi kiểm duyệt thông tin, như ngăn chặn quyền truy cập gây ảnh hưởng tới tính toàn vẹn và an ninh cuộc bầu cử. Đảng Cộng hòa lo ngại các nền tảng xã hội có hướng thiên vị hơn đối với phe Dân chủ, nhấn mạnh nguy cơ các tổ chức, cá nhân lợi dụng các mạng xã hội này để khả năng can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay gây bất lợi cho họ.
CEO Google Sundar Pichai. (Ảnh: CNN)
Trong khi đó, Đảng Dân chủ cáo buộc phe Cộng hòa đang cố tình gây sức ép và làm mất uy tín của các CEO công nghệ cũng như chính trị hóa cuộc điều trần.
Từ trước tới nay, việc hoàn thiện các quy định để quản lý các nền tảng công nghệ mạng xã hội luôn được chính quyền Mỹ quan tâm. Tuy nhiên, việc thay đổi theo hướng nào, với các giải pháp cụ thể ra sao còn phụ thuộc rất lớn vào việc ông Donald Trump hay ông Joe Biden sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới, bởi mỗi người đều có cách nhìn nhận và tiếp cận khác nhau đối với các nền tảng công nghệ này.
VTV.vn - Đêm nay (28/10) theo giờ Việt Nam, vị CEO quyền lực của các "ông lớn" công nghệ Twitter, Facebook và Google sẽ có buổi điều trần tại Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!